“Trừ khi có vắc-xin giá hợp lý cho tất cả các quốc gia, nếu không, Việt Nam cần có vắc-xin của riêng mình”

Ngày 11/8, Tổng thống Vladimir Putin thông báo Nga đã đăng ký loại vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới có tên Sputnik V. Chưa đầy 1 tuần sau, nước này cho biết đã sản xuất lô vắc-xin đầu tiên.

Hy vọng hồi phục cho nền kinh tế


Thông tin vắc-xin cho Covid-19 – dù còn nhiều ý kiến trái chiều – đã trở thành niềm hy vọng cứu cánh cho các nền kinh tế trong bối cảnh hàng loạt con số tăng trưởng âm làm đau đầu những nhà quản lý. Câu hỏi "Y tế hay kinh tế: Lựa chọn sự an toàn của người dân hay tăng trưởng kinh tế?" được nhiều người kỳ vọng sẽ có lời giải hoàn hảo.

Tại Việt Nam, quyền bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết có đặt mua vắc xin ngừa COVID-19 do Nga sản xuất với số lượng trong khoảng 50 - 150 triệu liều. Tuy nhiên, thời điểm tiếp nhận, mua/bán vắc xin và giá bán vẫn chưa rõ ràng.

"Dù gì thì đây cũng là tín hiệu tích cực, đưa lại hy vọng khôi phục sớm cho hoạt động kinh tế toàn cầu và Việt Nam" - GS.TS Nguyễn Đức Khương – Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu, Trưởng khoa Tài chính – Kiểm toán – Kế toán tại trường Kinh doanh IPAG (Paris) nói.

Tuy nhiên, ông Khương cũng đánh giá, ngoài tính hiệu quả, vắc-xin cần thời gian để sản xuất và phân phối đến từng người dân. Việc vắc-xin được sản xuất sẽ đi đến quốc gia nào, tiếp tục lại phụ thuộc vào đàm phán, hợp tác quốc tế.

"Đã có một số dấu hiệu cho thấy vắc-xin có thể trở thành vũ khí đưa đến ràng buộc hay phụ thuộc về ngoại giao, đường lối chính trị. Vì thế, trừ khi có vắc-xin giá hợp lý cho tất cả các quốc gia, còn nếu không thì Việt Nam cần có vắc-xin của riêng mình." – Chuyên gia nhấn mạnh – "Chỉ có lúc đó chúng ta mới làm chủ để phát triển kinh tế và xã hội".

“Trừ khi có vắc-xin giá hợp lý cho tất cả các quốc gia, nếu không, Việt Nam cần có vắc-xin của riêng mình”
Ảnh: Tuấn Mark

Ngoài ra, ông Khương lưu ý, với độ mở cao và xuất khẩu đóng vai trò động lực tăng trưởng quan trọng thì khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc vào sự phục hồi ở các quốc gia khác.

Với làn sóng thứ hai của Covid-19, sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp sắp tới sẽ khó khăn hơn. Việt Nam phải chuẩn bị cho tình huống sẽ có nhiều người thất nghiệp hơn, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động, do đình trệ kinh tế ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Ngay cả khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh thì thương mại Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thương mại toàn cầu.

"Giai đoạn khó khăn vẫn còn ở phía trước. Nhưng thời cơ cho một cú hích lớn cũng ở phía trước. Khi toàn cầu gặp khó khăn và suy thoái thì quốc gia nào cải cách mạnh mẽ nhất, đổi mới và thích ứng nhanh nhất sẽ tạo được cho mình một vị thế thuận lợi trong trật tự thế giới mới đang hình thành." – Chuyên gia nêu quan điểm.

Vắc-xin riêng cho nền kinh tế Việt Nam


Theo GS.TS Nguyễn Đức Khương, một trong những bài học lớn nhất mà thế giới học được từ Covid-19 là sức khoẻ, hạnh phúc của con người và tôn trọng hệ sinh thái thiên nhiên. Ông Khương cho rằng, thay vì tập trung vào con số tăng trưởng thì Việt Nam nên hướng đến duy trì sự ổn định vĩ mô, cải cách mạnh mẽ nền kinh tế, và kiến tạo nền tảng cho phát triển bền vững trong dài hạn.

Thế nhưng, làm sao để đạt được những mục tiêu vĩ mô như vậy?

Vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, số hoá, phát triển con người, kết nối nguồn lực, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và pháp lý. Hoạt động đầu tư cho giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực cần được đẩy mạnh, giúp doanh nghiệp phát triển năng lực cạnh tranh để tận dụng cơ hội thị trường từ các hiệp định thương mại tự do.

Cho đến thời điểm này Việt Nam vẫn là một trong số các quốc gia kiểm soát tốt sự lây lan của bệnh dịch. Chính phủ đã có những chính sách rất chủ động, kịp thời, và người dân hưởng ứng với tinh thần trách nhiệm cao. Đặc biệt, hệ thống y tế cộng đồng phát triển chính là một lợi thế của Việt Nam.

Nhìn từ bên ngoài, quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn. Doanh nghiệp, người lao động và người dân của Việt Nam nhạy bén, thích nghi tốt với sự thay đổi nhanh của công nghệ.

Đặc biệt, Việt Nam còn không gian chính sách cho những gói hỗ trợ bổ sung nếu bệnh dịch kéo dài. Tỷ lệ tiết kiệm trên GDP ở mức cao (khoảng 25,4% cuối năm 2019) và nguồn lực này có thể được huy động cho đầu tư, tiêu dùng sắp tới.

Y tế hay Kinh tế? Lựa chọn tối ưu cho Việt Nam lúc này, theo chuyên gia, là kiên trì thực hiện hiệu quả các giải pháp phục hồi đang làm và hướng sự tập trung vào các cải cách nền tảng để đảm bảo tăng trưởng cao trong dài hạn.

"Làm được những việc này mới giúp Việt Nam không bị thua thiệt trong hợp tác kinh tế, có định vị cao trong các chuỗi giá trị, và tiến gần với trình độ của các quốc gia phát triển." – GS.TS Nguyễn Đức Khương nói – "Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay. Nếu không chuẩn bị tốt trong hiện tại thì sang năm cơ hội đến chúng ta có thể sẽ lại để nó chạy qua."

0 Nhận xét