Huỳnh Lập làm phim điện ảnh thứ 2, hé lộ poster chỉ một bức tranh kiếng Nam Bộ đầy bí ẩn

(Hotnow.vn) - Năm năm sau kể từ khi ra mắt bộ phim điện ảnh đầu tay “Pháp sư mù”, nam đạo diễn - diễn viên Huỳnh Lập lại tiếp tục hé lộ một dự án điện ảnh khác, hứa hẹn mang đến sự độc đáo và ấn tượng không kém: Nhà Gia Tiên.

Với hình ảnh first look poster mà Huỳnh Lập hé lộ, khán giả và giới truyền thông sẽ ngay lập tức cảm nhận được sự hoài cổ, đậm nét văn hoá và đầy tính chiều sâu vốn là nét đặc trưng trong phong cách làm phim của Huỳnh Lập. Poster “Nhà Gia Tiên” được thiết kế giống như một bức tranh kiếng Nam Bộ (Tranh kính) - loại hình nghệ thuật dân gian vốn thường được trưng bày giữa những ngôi nhà cổ của Việt Nam thời xưa.
Và chính chiếc first look poster này cùng với tên phim “Nhà Gia Tiên”cũng phần nào cho công chúng được hình dung về đề tài mà Huỳnh Lập lựa chọn bộ phim điện ảnh thứ hai: gia đình.
Cùng với chủ đề văn hoá, tâm linh, thì gia đình cũng được xem là một thế mạnh của Huỳnh lập - vốn được bảo chứng bằng rất nhiều tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau của anh. Bộ phim lần này sẽ có gì đặc biệt, đề tài gia đình xen lẫn với yếu tố tâm linh sẽ được Huỳnh Lập khai thác và hòa trộn thế nào, có lẽ sẽ có rất nhiều khán giả háo hức chờ đón đến tháng 12/2024 để được thưởng thức tác phẩm này.
Nói về quyết định lựa chọn năm 2024 để ra mắt “Nhà Gia Tiên”, Huỳnh Lập cho biết, ngay từ sau khi phát hành “Pháp sư mù”, anh đã nung nấu thực hiện bộ phim điện ảnh kế tiếp. Nhưng vốn bản tính cầu toàn và luôn muốn mang đến những tác phẩm chất lượng nhất, có màu sắc riêng biệt nhất, khai thác được những góc nhìn mới mẻ nhất, Huỳnh Lập cũng phải mất một thời gian khá dài từ 4 đến 5 năm để đi tìm chủ đề phù hợp và câu chuyện hấp dẫn sau đó đã hoàn chỉnh được câu chuyện của “Nhà Gia Tiên”.
“Năm năm là một khoảng thời gian không quá ngắn, nhưng cũng không quá dài, tôi nghĩ nó vừa đủ để cho một câu chuyện được hình thành hoàn chỉnh, đầy đủ chiều sâu và có thể tạo ra tác động lớn đến khán giả. Thành công của Pháp sư mù vào năm 2018 - 2019, ngoài việc nhờ ủng hộ của khán giả, tôi tin là còn vì sự chỉn chu về mặt đầu tư, trau chuốt trong cả kịch bản lẫn quá trình sản xuất.
Vì thế, tôi mong rằng sản phẩm điện ảnh thứ hai của mình cũng phải được như thế, thậm chí phải hơn rất nhiều vì đã 5 năm trôi qua. Tôi không muốn chạy đua theo số lượng mà quan trọng chất lượng, bởi mỗi bộ phim điện ảnh mình làm ra sẽ còn lưu lại rất lâu trong trí nhớ công chúng, nên mọi thứ đều phải được tính toán cực kỳ kỹ lưỡng, cẩn thận”.
Khi ra mắt, “Pháp sư mù” của Huỳnh Lập từng đạt doanh thu hơn 60 tỷ đồng chỉ sau 2 tuần ra mắt - một con số vô cùng ấn tượng với thị trường phim điện ảnh giai đoạn đó, đặc biệt là với một tác phẩm đầu tay của một nghệ sĩ rất trẻ sản xuất. “Pháp sư mù” là một bộ phim thuần yếu tố tâm linh, mang đậm nhiều yếu tố truyền thống - dân gian, thuộc “vũ trụ” Ai chết giơ tay của Huỳnh Lập, xoay quanh câu chuyện của một pháp sư trẻ tuổi trên hành trình “trừ gian diệt đạo” cũng như tìm kiếm và khẳng định giá trị cho riêng mình.
Với “Nhà Gia Tiên” lần này, Huỳnh Lập vẫn giữ yếu tố tâm linh, nhưng bằng một cách kể chuyện khác. Anh chọn hình ảnh ngôi nhà để đặt ra một câu hỏi cho khán giả, một câu hỏi mà có lẽ cũng rất nhiều người trăn trở và băn khoăn trong thời đại ngày nay: Tại sao chúng ta phải cùng nhau gìn giữ căn Nhà gia tiên này?
Vì sao những thế hệ con cháu luôn mất kết nối với ông bà của mình? Con người sau khi chết sẽ đi về đâu? Tại sao mỗi năm chúng ta đều phải làm đám giỗ cho người đã khuất… Và tất cả những câu hỏi đó sẽ lần lượt được Huỳnh Lập và ê-kíp lý giải trong bộ phim điện ảnh sẽ ra mắt vào tháng 12 này.
Chia sẻ thêm về poster first look của phim, Huỳnh Lập cho biết: “Nhắc đến bàn thờ Gia tiên đặc biệt là vùng đất Nam Bộ, ai cũng biết về bức tranh “Cửu Huyền Thất Tổ” làm bằng nghệ thuật tranh kiếng (Tranh kính) - một dòng tranh rất nổi tiếng của ông bà ta ngày trước. Thông qua sự tái hiện lại bức tranh với nét vẽ hiện đại, 17 Production muốn tôn vinh vẻ đẹp của nghệ thuật và những giá trị và những giá trị văn hóa, nghệ thuật cần được gìn giữ và bảo tồn”.

0 Nhận xét