Đề xuất tính thuế mới với đồ uống có cồn

Dù đã 5 lần thay đổi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng đồ uống có cồn nhưng các chuyên gia cho rằng hiệu quả của các chính sách quản lý và phương pháp tính thuế đối với mặt hàng này vẫn còn nhiều vấn đề đáng chú ý.

Đây là thông tin được bàn thảo tại buổi công bố nghiên cứu "Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành đồ uống có cồn tại Việt Nam" vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức. Theo các chuyên gia, để phù hợp với xu hướng chung của thế giới và khu vực, Việt Nam cần đề xuất phương pháp tính TTĐB mới với ngành đồ uống có cồn.

15 năm qua, ngành công nghiệp rượu vang, rượu mạnh đã chịu tác động của 5 lần thay đổi thuế TTĐB. Mới đây nhất, thuế suất loại này đã tăng từ 50% vào năm 2015 lên 55% vào năm 2016, và 65% vào năm 2018. Đồng thời, giá tính thuế cũng bị thay đổi từ giá nhập khẩu thành bán buôn.

Tuy nhiên, lượng tiêu thụ đồ uống có cồn ở Việt Nam tăng gấp đôi trong 10 năm, đặt ra vấn đề rằng, liệu chính sách quản lý, thuế TTĐB với đồ uống có cồn đã đạt được kỳ vọng đề ra.

Đề xuất tính thuế mới với đồ uống có cồn - Hình 1

Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn nhằm đạt được mục tiêu giảm lượng tiêu thụ đồ uống có cồn. (Ảnh minh họa)

Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết một trong những nguyên nhân khiến kết quả đạt được của chính sách không được như kỳ vọng, đó là: Phương pháp tính thuế tương đối theo giá bán buôn của sản phẩm đang áp dụng đối với ngành đồ uống có cồn tại Việt Nam không hiệu quả nếu xét trên khía cạnh giảm lượng cồn nguyên chất tiêu thụ vào và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, cũng như bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng, để phù hợp với xu hướng chung của thế giới và khu vực, Việt Nam cũng cần đề xuất một phương pháp tính thuế TTĐB mới đối với ngành đồ uống có cồn là cần thiết, nhằm đáp ứng hiệu quả hơn các mục tiêu quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Trong đó, trước mắt, có thể áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp dựa trên lít cồn nguyên chất thay cho thuế tương đối đang áp dụng hiện nay do những ưu điểm vượt trội của phương pháp này và phù hợp với bối cảnh, khả năng thích ứng của Việt Nam. Phương pháp này giúp tăng thu ngân sách khoảng 25% so với phương pháp thuế tương đối hiện hành và mức tiêu thụ toàn ngành sẽ giảm 5%.

Liên quan đến việc Quốc hội đang dự định tăng thuế TTĐB với đồ uống có cồn trong thời gian tới, một số ý kiến tại hội thảo cho rằng, 2 năm qua, với sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp ngành đồ uống chịu thiệt hại rất nặng nề. Vì vậy việc tăng thuế thời điểm này cũng cần cân nhắc, bởi sự ổn định về chính sách thuế sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, đồng thời nuôi dưỡng nguồn thu, hướng tới tăng thu ngân sách trong dài hạn.

Đại diện Hiệp hội Bia, Rượu, nước giải khát Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trong ngành chịu ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch COVID-19 và đang đối mặt với khó khăn về nguồn nguyên liệu và chi phí sản xuất gia tăng do xung đột tại Ukraine. Mong muốn của doanh nghiệp lúc này là Nhà nước ổn định chính sách thuế, trước mắt chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn trong 2 năm 2022 và 2023 để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và nuôi dưỡng nguồn thu.



0 Nhận xét