Đắm mình trong “Dòng sông kể chuyện”, thêm yêu mảnh đất TP Hồ Chí Minh

(Hotnow.vn)- Chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện” - Signature Show “The Story of a River” có sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Cùng dự có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, TP.HCM và các địa phương.

“Dòng sông kể chuyện”- sự tri ân cha ông mở cõi, một lời chào nồng nhiệt của Tp Hồ Chí Minh. Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện” ngay tại Cảng Sài Gòn, bên dòng sông Sài Gòn như một bản tổng phổ về thiên nhiên, con người của vùng đất được dòng sông dáng cung đàn ôm trọn vào lòng; như một lời tri ân các bậc tiền hiền đã khai hoang mở cõi, lớp lớp cư dân đã đến ngụ cư, lao động, đấu tranh để kiến tạo, trao truyền những di sản của dòng sông cho các thế hệ mai sau.
Chương trình cũng là lời chào của TP.HCM - một đô thị sông nước hiền hòa, sống động, trẻ trung, cởi mở và không ngừng sáng tạo, hướng tới tương lai; là thông điệp của Thành phố anh hùng, giàu nội lực, bản lĩnh và sẵn sàng hợp tác để cùng bạn bè năm châu tìm hướng phát triển kinh tế dịch vụ trên sông, ven sông, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế từ tài nguyên sông, biển.

Trong 90 phút diễn ra, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Dòng sông kể chuyện” - Signature show “The Story of a River” do Newday Media thực hiện, Tổng đạo diễn Lê Hải Yến, đã tái hiện các giai đoạn chính của lịch sử khai phá, hình thành và phát triển của TP Hồ Chí Minh gắn với sông Sài Gòn - một trong những trung tâm kinh tế và văn hoá lớn nhất nước; tái hiện sinh hoạt văn hoá và kinh tế, nếp sống trên bến dưới thuyền của cư dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM trong hơn 300 năm qua với 5 chương mang chủ đề: Khẩn hoang, Xây thành, Trên bến dưới thuyền, Thương cảng phồn hoa và Rực rỡ thành phố bên sông.
Chương trình được tổ chức trong không gian độc đáo, lần đầu tiên có ở TP Hồ Chí Minh: “Trên bến” là Cảng Sài Gòn - thương cảng hơn 160 năm tuổi với tầm nhìn hướng về trung tâm Thành phố, có các công trình ghi dấu ấn về sự phát triển Thành phố hơn 300 năm qua. “Dưới thuyền” chính là mặt sông Sài Gòn - dòng sông gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM. Không chỉ là một chương trình nghệ thuật, “Dòng sông kể chuyện” - Signature show “The Story of a River” còn là những thước phim sống động được kể trên một dòng sông thật, với bến cảng thật, con người thật, tàu thuyền thật và những câu chuyện chân thật đầy cảm xúc được nâng tầm thành nghệ thuật.

Với 90 phút diễn ra, thời gian là quá ngắn đối với việc tái hiện và kể về hơn 300 năm lịch sử thăng trầm của một vùng đất đã trải qua quá nhiều biến động như TP HCM cùng những dấu ấn đặc sắc về văn hoá, con người nơi đây, nhưng như đạo diễn Phạm Hoàng Nam, cố vấn nghệ thuật, đạo diễn ánh sáng của chương trình nói, lịch sử có đầy đủ và kỹ lưỡng trong rất nhiều sách vở, điều mà chương trình hướng đến và làm được đó là sân khấu hoá nó một cách khéo léo, hấp dẫn để làm sao người ta có thể hiểu và yêu hơn Thành phố sau 90 phút diễn ra.
Theo đạo diễn Phạm Hoàng Nam, đó là điều mà “Dòng sông kể chuyện” - Signature show “The Story of a River” đã cơ bản làm được, cho người xem thấy được những dấu mốc quan trọng nhất của lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển của thành phố trong hơn 300 năm đến ngày hôm nay, và hấp dẫn người xem, du khách cuốn theo câu chuyện đó bằng cách kể chuyện đầy màu sắc văn hoá.

Với đông đảo khán giả, sau chương trình lôi cuốn, choáng ngợp, diễm lệ và mãn nhãn này, nhiều người xúc động bày tỏ họ đã có cơ hội hiểu về TP Hồ Chí Minh thông qua bài học nghệ thuật súc tích, đáng nhớ và thêm yêu thành phố mình đang sống, trân trọng hơn giá trị văn hoá mà cha ông đã trao truyền. Đó là lý do vì sao khi chương trình kết thúc, hàng vạn khán giả tại sân khấu mãi vẫn không chịu ra về, dường như họ đều khó thoát được những xúc cảm mạnh mẽ vừa nhận được thông qua những màn trình diễn đặc sắc.
Những dấu ấn khó quên của “Dòng sông kể chuyện” Với 5 chương diễn ra trong 90 phút ở một kịch bản mà Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cho biết là đồ sộ và nặng nhất trong sự nghiệp của chị đến thời điểm hiện tại về mọi mặt, từ nội dung, hình thức thể hiện đến các công nghệ kỹ thuật…, đã đưa người xem chìm đắm vào lịch sử, văn hoá TP Hồ Chí Minh bằng mọi giác quan, cảm xúc. Nhiều phần trình diễn được cho là hùng tráng, diễm lệ đến xúc động.

Chương mở đầu “Khẩn hoang” tái hiện khung cảnh rừng nguyên sinh âm u với bóng dáng những động vật hoang dã cùng âm thanh của thiên nhiên. Nhóm đồng bào các dân tộc Mạ, Stiêng, Khơ me sinh sống, săn bắt, trồng lúa… Người dân băng qua các khu rừng ngập mặn nguyên sinh theo dòng sông tiến vào vùng đất mới, chinh phục thiên nhiên, thuần phục thú dữ, tiến vào phương Nam.
Cảnh xây thành Gia Định - đại công trình đồ sộ được tái hiện trong chương thứ hai “Xây thành” với không khí vô cùng khẩn trương, hào hứng, sôi nổi. Sức người cùng sự đồng lòng hiệp lực đã nhanh chóng kiến tạo nên công trình. Phần trình diễn được đầu tư công phu, hoàng tráng khiến khán giả không chỉ ấn tượng mà còn xúc động như được “xuyên không” trở về với cha ông, cùng cha ông khuân từng viên gạch dựng thành.

Chương ba “Trên bến dưới thuyền” là cảnh dòng sông với những con thuyền vào ra tấp nập chở đầy hoa, quả, sản vật… tạo nên khung cảnh sống động, đầy màu sắc. Cùng với đó là khung cảnh bến chợ ngày cận Tết, cảnh bình minh trên sông, cuộc sống của những người dân ở làng nghề truyền thống như nghề gốm, nghề làm chiếu, nghề đóng ghe thuyền, nghề rèn… của Sài Gòn xưa.
Chương bốn “Thương cảng phồn hoa” tái hiện đại hoạt cảnh Sài Gòn xưa nơi con tàu Hòn Ngọc Viễn Đông cập bến. Sự xuất hiện của những thương nhân, du khách quốc tế, đan xen hình ảnh những phu khuân vác hàng, tạo nên khung cảnh thương cảng nhộn nhịp, sầm uất, sôi động. Sài Gòn dần trở thành đô thị phồn hoa náo nhiệt với nhà hàng, khách sạn, tiệm may, sạp báo, quán xá…

Ở chương này, khán giả cũng được “tham quan” những biểu tượng của Sài Gòn, những công trình kiến trúc tuyệt mỹ đã trở thành di sản và biểu tượng thời gian, gắn với những cột mốc lịch sử quan trọng trong hành trình phát triển của Thành phố. Đó là Bến Nhà Rồng, Công xưởng Ba Son, Cột cờ Thủ Ngữ, Tòa Thị Chính, Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Chợ Bến Thành, Nhà hát thành phố, Dinh Độc Lập.
Chương cuối cùng “Rực rỡ thành phố bên sông” là vẻ đẹp TP Hồ Chí Minh của hiện tại, sôi nổi, trẻ trung, năng động với đường phố nhộn nhịp, đông vui, căng tràn sức sống, sức trẻ và nói lên thông điệp TP.HCM hôm nay dù có sự hội nhập giao lưu văn hóa phong phú nhưng vẫn đầy bản sắc riêng. Ở phần này, khán giả cực kỳ phấn khích khi được thưởng thức bữa tiệc ánh sáng 3D mapping, âm nhạc sôi động, nghệ sĩ trình diễn flyboard trong trang phục LED bay cao và thể hiện những màn nhào lộn với sóng nước trên không kết hợp pháo sáng tạo hiệu ứng hấp dẫn, tươi trẻ, sôi động...

Màn diễu hành của 30 con tàu du lịch gồm du thuyền, tàu du lịch và tàu nhà hàng trên sông, cano du lịch, tàu bus trên sông, taxi đường sông… gây ấn tượng mạnh với khán giả, cho thấy nét đặc trưng cũng như niềm tự hào của thành phố khi vẫn khai thác được vẻ đẹp phồn hoa của bến Cảng mà cha ông đã gây dựng đến ngày hôm nay. Từ đó, khán giả được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của một thành phố không ngủ về đêm, với những khám phá đầy bất ngờ và thú vị của một đô thị sông nước rực rỡ đa sắc màu văn hóa.
Đặc biệt, khán giả ở sân khấu còn được thưởng thức màn droneshow trình diễn hình ảnh và công trình biểu tượng thời đại mới của thành phố như: Cầu Ba Son (cầu Thủ Thiêm 2), Đường hầm sông Sài Gòn, cầu Ánh Dao và Hồ Bán Nguyệt (Khu đô thị Phú Mỹ Hưng), Thành phố Thủ Đức, Tuyến Metro số 1, Cảng quốc tế Cần Giờ và đặc biệt là thông điệp “I love Ho Chi Minh City”.

“Dòng sông kể chuyện” - Signature show “The Story of a River” có sự tham gia biểu diễn của hơn 700 diễn viên chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và diễn viên quần chúng chính là cư dân đang sinh sống, làm việc và học tập tại TP.HCM cùng các cư dân làng nghề tại Đồng bằng sông Cửu Long…
Tổng biên đạo - NSƯT Thanh Hằng đã dày công dàn dựng những màn vũ đạo vô cùng hoành tráng, sống động, tự nhiên và hấp dẫn. Tham gia biểu diễn trong chương trình còn có các nghệ sĩ, nghệ nhân như: NSƯT Lê Tứ, Nghệ nhân nhân dân Út Ty, Nghệ nhân ưu tú Ngọc Đặng, Duy Kim, Văn Môn, Huỳnh Tuấn; ca sĩ Phương Vy, Ali Hoàng Dương, nhóm nhạc MTV, Rapper Blacka, ca sỹ Như Huỳnh, Nghệ sĩ Bình Trọng, vũ đoàn TA Dance, đoàn Lân Tinh Anh Đường.

Âm nhạc, vũ đạo, những công nghệ biểu diễn và tương tác hiện đại bao gồm nghệ thuật chiếu sáng 3D trên toàn bộ phần sàn của bối cảnh trên bờ; hệ thống nhạc nước trên mặt sông; hệ thống ánh sáng được tính toán công phu và sử dụng hệ thống đèn lazer công suất lớn, chi tiết theo từng tiết mục; trình diễn flyboard, droneshow và pháo hoa... được kết hợp hoàn hảo trong cùng một chương trình với sự hài hòa, hấp dẫn khiến khán giả không thể rời mắt.
“Dòng sông kể chuyện” - Signature show “The Story of a River” là một bức tranh liên hoàn đan kết bởi các loại hình văn hóa, nghệ thuật giải trí, từ dân gian đến đương đại, múa, xiếc, âm nhạc… cùng công nghệ trình diễn tối tân, đã được những người làm chương trình mất rất nhiều ngày “xuyên đêm” chuẩn bị để đem đến cho khán giả một “bữa tiệc toàn bích” của mọi giác quan, một sản phẩm du lịch, văn hóa đậm nét dấu sông hồn phố của một vùng đô thị sông nước náo nhiệt, rực rỡ.

Nhiều phần trình diễn lộng lẫy khiến khán giả không khỏi ngỡ ngàng và trầm trồ như khi con tàu Elisa- con tàu cổ nhất tại Cảng Sài Gòn bất ngờ xuất hiện, từ từ đi ngang qua sân khấu cùng hàng trăm du khách trên thuyền mặc trang phục rực rỡ, sang trọng vẫy chào làm người xem bồi hồi nhớ đến thương cảng Sài Gòn hoa lệ một thời.
Thưởng thức chương trình “Dòng sông kể chuyện” - Signature Show “The Story of a River”, những người dân Thành phố vừa thấy choáng ngợp, xúc động, xen lẫn sự tự hào về nơi mình sinh ra và lớn lên. Những du khách đến với TP.HCM cũng thấy hiểu thêm về quá trình xây dựng, phát triển của Thành phố, và thêm yêu mảnh đất phồn hoa này.

Để có chương trình thành công để lại ấn tượng trong lòng khán giả, du khách là công sức của hàng ngàn người trong ê-kíp, nghệ sĩ, diễn viên… Tổng đạo diễn Lê Hải Yến xúc động chia sẻ: “Khi chương trình kết thúc, tôi hỏi một khán giả: Người Thành phố cảm thấy thế nào? Chị khán giả nói: Cảm ơn em đã kể những câu chuyện về thành phố này rất đặc sắc và thú vị!
Còn tôi thì cảm ơn tất cả ê-kíp, những người đã cùng tôi trải qua những vất vả khó khăn thử thách những ngày vừa qua. Cuối cùng chúng tôi đã làm được, giấc mơ đã thành hiện thực, dù nó chưa phải hoàn hảo hết tất cả như những điều chúng tôi mong muốn”. Có một số những yếu tố khách quan nằm ngoài dự tính nhưng thực sự hôm nay chương trình lung linh hơn tất cả bởi tất cả mọi người đã cùng đồng lòng, tâm huyết. Ê-kíp đã cố gắng tới 200% sức lực, và khán giả thì quá tuyệt vời.

Tôi biết ơn mảnh đất này, mảnh đất đã trao cho tôi cơ hội được được thể hiện, được thay lời dòng sông kể câu chuyện về 300 năm lịch sử của mình, cho tôi cơ hội để những hình dung của tôi khi đọc những cuốn sách lịch sử, khi nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa của thành phố ngày hôm nay đã được thể hiện gần như trọn vẹn cùng những khao khát mà tôi muốn đặt để vào chương trình.
Tôi cảm ơn dòng sông bởi không phải ngẫu nhiên mà giữa mùa mưa lại có ngày trời quang mây tạnh, thời tiết đẹp đến như vậy để đêm diễn được diễn ra thuận lợi. Và đặc biệt, tôi thực sự cảm ơn Thành phố, Sở du lịch, các sở ban ngành đã chỉ đạo sát sao, hỗ trợ hết sức để chúng tôi thực hiện chương trình; cảm ơn những con người của vùng đất này, đầy phóng khoáng, hào hiệp, luôn giàu tinh thần sống tích cực… lan toả đến tôi và ekip, giúp chúng tôi tràn đầy cảm hứng thực hiện chương trình này”.

Vượt qua những khó khăn không ngờ tới. Trước đó, Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cũng đã tiết lộ về những khó khăn chồng chất, “không kể xiết” để thực hiện được show diễn hoành tráng và công phu, mãn nhãn như vậy với sân khấu trên sông Sài Gòn và khu vực bến cảng.
“Đầu tiên là vấn đề thời gian, chúng tôi đã từng có những thời điểm vô cùng hoang mang, bối rối vì thời gian thực hiện quá gấp, chỉ trong vòng 1 tháng với khối lượng công việc khổng lồ, số lượng diễn viên vô cùng lớn là hơn 700 diễn viên. Trong khoảng thời gian 15 ngày, chúng tôi làm việc với cường độ cao liên tục, gần như không có thời gian để ngồi tĩnh tâm hay ngơi nghỉ. Cứ sản xuất, luyện tập, xử lý các vấn đề, điều chỉnh… Thứ hai là yếu tố thời tiết, chúng tôi quá vất vả trong quá trình luyện tập vì TP Hồ Chí Minh đang mùa mưa. Mưa liên tục, diễn viên, ekip gặp mưa, chịu ướt, lạnh hàng ngày nhưng không ai được cho phép mình ốm.

Thứ ba là yếu tố con nước của sông Sài Gòn. Cho dù là chuyên gia giỏi nhất về mặt đường thủy đi chăng nữa thì trước con nước có tiếng là đỏng đảnh này cũng sẽ phải gặp rất nhiều vấn đề. Chúng tôi phải setup rất lâu, cả chục ngày trước khi diễn ra sự kiện. Mà trong chục ngày đó, con nước chưa khi nào ổn định với 1 ngày 2 lần nước lên xuống, lượng bèo lục bình trôi quá nhiều, thậm chí có những ngày nước xiết không thể nào tập nổi.
Có những hôm đúng lúc tổng duyệt thì hệ thống nhạc nước bị gãy, không thực hiện được kỹ thuật. Có những khi tập flyboard không được vì bèo nhiều quá. Mỗi ngày chúng tôi đều phải căn sân khấu một lần vì lệch tâm do nước xiết, dù sà lan làm sân khấu đã dùng những mỏ neo trọng tải mấy chục tấn vẫn không đủ cố định, độ xoay, xê dịch của nó rất cao. Rồi thì diễn viên bị áp lực tập căng thẳng ngày đêm, tập dưới mưa...rất vất vả, nhiều người chịu không nổi.

Chưa kể, 30 chiếc tàu du lịch được huy động cho các phần biểu diễn, diễu hành trong chương trình có giờ chạy khác nhau, rất khó để tập hợp, liên kết; bà con chèo xuồng ở dưới sông cũng không thể tập quá lâu,... Khó khăn cứ dồn dập khiến chúng tôi rất áp lực. Phải nói thực sự rằng, để có được một đêm diễn trọn vẹn như đã thấy, đó là một kỳ tích. Kỳ tích ấy có được là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Thành phố, của Sở du lịch, nhờ sự nỗ lực, đồng lòng của tất cả những người tham gia chương trình, và còn nhờ sự ủng hộ của thời tiết, thì chúng tôi mới có thể thực hiện được chương trình một cách trọn vẹn như vậy”.
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cho biết, mặc dù chương trình sử dụng rất nhiều yếu tố kỹ thuật và công nghệ như hệ thống ánh sáng, thiết bị khủng, hệ thống âm thanh tối tân, hiện đại… Tuy nhiên, cũng như thông điệp của chương trình, kể về lịch sử hình thành, phát triển của TP Hồ Chí Minh để thấy được sự vĩ đại của con người khi biến một vùng đất hoang vu trở nên trù phú, giàu mạnh…, thì ở chương trình, bên cạnh câu chuyện lịch sử, tôn vinh bản sắc văn hoá của TP Hồ Chí Minh, một trong những điều cốt lõi mà kịch bản muốn hướng tới chính là tôn vinh con người nơi đây.

“Thành phố này đẹp, trở nên phồn vinh, thịnh vượng bởi vì họ có những con người tuyệt vời đã tạo ra. Chúng tôi muốn khán giả xem chương trình cảm thấy tự hào bởi họ đang được kế thừa một di sản vô hình tuyệt vời, đó chính là bản tính, đặc trưng tính cách có trong những con người của Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay: bản lĩnh, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, luôn sở hữu một nguồn năng lượng tích cực, nghĩa tình, hào sảng, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, luôn tiên phong trong sáng tạo…Đó là lý do tại sao chúng tôi lựa chọn một khối lượng diễn viên rất lớn, để khán giả thấy vẻ đẹp của con người trong suốt chiều dài lịch sử đã kiến tạo nên Thành phố này”- Tổng đạo diễn Lê Hải Yến nói.
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cũng tự nhận, chị đã rất “liều” khi nhận lời TP Hồ Chí Minh đảm nhận thực hiện chương trình này. Tuy nhiên, nhờ “liều” và táo bạo, luôn sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn mà đã có một “Dòng sông kể chuyện” được khán giả đánh giá là đầy bất ngờ, cực kỳ mãn nhãn, nhiều tiết mục gây choáng ngợp, diễm lệ…, giúp người xem hiểu hơn về Thành phố Hồ Chí Minh và yêu hơn mảnh đất này.
Cố vấn nghệ thuật - Đạo diễn ánh sáng, đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần nhiều hơn và thường xuyên hơn những chương trình như vậy để kích cầu du lịch cũng như quảng bá vẻ đẹp của lịch sử, văn hoá, con người thành phố đến với mọi người dân và du khách.

0 Nhận xét