Gần 1.000 diễn viên, nhân viên đội mưa ngày đêm tập luyện, chuẩn bị cho chương trình nghệ thuật Lễ Hội sông nước

(Hotnow.vn) - Hé lộ không gian sân khấu trên sông lớn nhất từ trước tới nay của Signature show “Dòng sông kể chuyện”

Chỉ còn 3 ngày nữa, vào lúc 20h00 ngày 06 tháng 8 năm 2023 tại Cảng Sài Gòn - Cảng Hành khách tàu biển sẽ diễn ra Chương trình nghệ thuật "Dòng sông kể chuyện" - Signature Show "The Story Of A River". Chương trình là điểm nhấn của sự kiện Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 2023 diễn ra trong 03 ngày, từ ngày 04 đến ngày 06 tháng 8 năm 2023.
Với kịch bản đồ sộ, chương trình nghệ thuật được ví như “signature show” của Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện táo bạo trên sông Sài Gòn với sân khấu đặt tại Cảng Sài Gòn, chuyên chở khát vọng tái hiện sự hình thành của tự nhiên, xã hội, văn hóa, con người qua các thời kỳ phát triển của Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Trong vòng gần 2 tiếng đồng hồ, người xem có thể ngược trở về quá khứ, hòa vào những thăng trầm suốt chiều dài lịch sử của lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, để hiểu đến tận cùng và yêu hơn mảnh đất này.
Dòng sông Sài Gòn chính là một “nhân chứng” hào hùng của lịch sử, bởi vậy, toàn bộ câu chuyện về Sài Gòn ở “Dòng sông kể chuyện” sẽ được kết hợp các kỹ thuật trình diễn từ sân khấu hóa đến nghệ thuật thực cảnh, từ các loại hình nghệ thuật dân gian đến đương đại, âm nhạc, vũ kịch, điện ảnh đến những công nghệ giải trí đa dạng để tạo ra một lễ hội rực rỡ trên sông. Khác với các Lễ hội thông thường, “Dòng sông kể chuyện” được diễn ra trên một dòng sông thật, một thương cảng thật, những con thuyền thật, con người thật, bối cảnh thật và những câu chuyện thật cùng cảm xúc chân thật nhất được nâng tầm thành nghệ thuật.
Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, câu chuyện lịch sử của một Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh trải dài theo chiều không gian và thời gian với cả một dòng chảy lịch sử hàng trăm năm được kể qua 5 chương nghệ thuật: Khẩn hoang – Xây Thành - Trên bến dưới thuyền – Thương cảng phồn vinh - Rực rỡ Thành phố bên sông.

Chương trình có sự tham gia của 700 diễn viên và nghệ nhân dân gian cùng ê-kíp các đạo diễn, chuyên gia, cố vấn, nghệ sỹ hàng đầu trong ngành nghệ thuật. “Dòng sông kể chuyện” - Signature Show "The Story Of A River" được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, nổi bật của Thành phố Hồ Chí Minh gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản và bản sắc văn hóa, lịch sử riêng biệt, góp phần đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm đến với du khách quốc tế.
Theo tiết lộ của Newday Media, đơn vị thực hiện chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện”- Signature Show "The Story Of A River", thì ngoài việc phải sử dụng gần 700 diễn viên, còn có một khối lượng công việc khổng lồ mà đơn vị đã và đang căng sức thực hiện “tốc hành” trong vòng 1 tháng nay.

Đặc biệt là việc setup một hệ thống sân khấu 3 lớp: phần trên cạn, phần dưới sông và phần nổi trên sông có tổng chiều dài 140 mét (chiều dài hơn cả sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội. Theo Wikipedia Sân vận động Mỹ Đình có chiều dài là 105m). Sân khấu “khổng lồ” này sẽ là nơi thực hiện các phần biểu diễn chính với nhiều lớp lang. Việc dựng được sân khấu đã khó, việc dàn dựng các tiết mục trên sân khấu này còn khó khăn hơn, đòi hỏi quá trình tập luyện công phu, chính xác đến từng chi tiết.
Khối lượng công việc chuẩn bị khổng lồ như vậy, nhưng toàn bộ thời gian từ khi chính thức bắt tay vào triển khai đến khi diễn ra chỉ vỏn vẹn 30 ngày. Tổng đạo diễn chương trình “Dòng sông kể chuyện” Lê Hải Yến chia sẻ: “Cái khó nhất của ê-kíp chúng tôi là hai chữ THỜI: Thời gian và Thời tiết. Thời gian quá gấp rút và thời tiết thì cực kỳ thất thường khiến cho việc dàn dựng, tập luyện ở sân khấu thực tế trở nên khó khăn, bị kéo dài.
Đội ngũ diễn viên thường xuyên phải tập luyện trong điều kiện trời trở mưa đột ngột và đội ngũ sân khấu cũng phải xử lý rất nhiều vấn đề với đặc thù của sông Sài Gòn một ngày 2 lần nước lên, 2 lần nước xuống, cùng với việc tính toán lộ trình lưu thông cho một lượng tàu thuyền rất lớn từ loại nhỏ nhất đến to nhất. Mặc dù chúng tôi đã có sự tư vấn của các chuyên gia khí tượng thủy văn, rất hiểu về con nước sông Sài Gòn nhưng khi vào thực tế thực hiện vẫn có nhiều vấn đề rất khó khăn, ảnh hưởng đến điều chỉnh sân khấu cũng như thị giác và cảm nhận khi đứng trên sân khấu…”.

Tuy nhiên, Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cũng cho biết, điều khiến cả ê-kíp không quản ngại khó khăn, luôn tràn đầy năng lượng và tinh thần quyết tâm thực hiện một show diễn “lần đầu tiên” được thăng hoa nhất, chính là sự đoàn kết, hết mình của các diễn viên, đội ngũ thực hiện. Tất cả đều cùng khát khao mang đến cho Thành phố Hồ Chí Minh một chương trình nghệ thuật đặc biệt, trở thành thương hiệu du lịch nổi bật gắn với bản sắc văn hóa đặc trưng của thành phố.
Theo chia sẻ của đơn vị thực hiện, trong vòng 1 tháng, chương trình đã tuyển chọn, huy động gần 700 diễn viên tham gia ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả chuyên nghiệp và không chuyên. Bởi, chương trình kể câu chuyện về Tp Hồ Chí Minh, cho nên việc huy động các diễn viên không chuyên là người dân rất quan trọng, với thông điệp muốn để người dân tham gia kể câu chuyện về thành phố của mình. Tuy nhiên, việc tuyển diễn viên không dễ dàng vì mùa hè là thời điểm sinh viên về quê, nên rất khó huy động.
700 diễn viên được chia lịch tập theo tốp 200-300 người, và theo tiết mục. Trên thực địa, họ thường xuyên phải đối diện với khó khăn do thời tiết bất thường trong mùa mưa, chưa kể còn bị gián đoạn vì giao thông đông đúc (nhiều khi phải đợi xe cộ thông thoáng mới có thể tiếp tục). Đặc biệt, màn diễu hành của hơn 30 con tàu trên sông cũng phải sắp đặt công phu mới có thể khớp nối được một cách nhuần nhuyễn. Ngày nào toàn bộ các diễn viên, nhân viên cũng đều phải tập luyện, chuẩn bị các công tác sân khấu từ 9h sáng đến 12h đêm.
“Ban đầu, trước những khó khăn, vất vả của tập luyện ngoài hiện trường, thời gian tập luyện liên tục, nhiều diễn viên tham gia đã bỏ cuộc vì không chịu được áp lực. Sân khấu liên kết từ phần đất đến phần nước trong một không gian rộng lớn, phải xử lý cùng lúc nhiều vấn đề kỹ thuật rất phức tạp, kích thước dài hơn cả sân vận động, riêng việc di chuyển đã mệt rồi chứ chưa nói đến vừa di chuyển vừa phải vác đạo cụ nữa. Tuy nhiên, tôi phải khẳng định là người dân TP HCM rất tuyệt vời, họ luôn cởi mở,sẵn sàng đón nhận cái mới và hào hứng khi được tham gia làm điều có ý nghĩa cho mảnh đất mình đang sống.
Ban đầu, chúng tôi thuyết phục diễn viên tập ở sân khấu thực tế rất khó, nhưng đến khi họ hiểu và cảm nhận được hết ý nghĩa của từng cảnh trong chương trình mà họ tham gia, họ đã hào hứng vô cùng, không ngại mưa nắng hay vất vả nữa. Thậm chí, nhiều người còn được xin vào diễn màn này, màn kia vì thích quá. Mỗi khi tập xong, dù mệt, họ vẫn ngồi lại để xem các ê-kíp khác tập và cổ vũ nhau, điều đó tạo nên sự hứng khởi cho toàn bộ ê-kíp, “tiếp sức” mọi người cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để sẽ hoàn thành một chương trình tốt nhất” - Tổng đạo diễn Lê Hải Yến kể.

Cùng với đó, đơn vị thực hiện cho biết cũng đã được các đơn vị phối hợp ủng hộ vô cùng nhiệt tình. Đặc biệt là đơn vị Cảng Sài Gòn và Chủ của hai con tàu cổ và sang trọng nhất ở Cảng được trưng dụng vào chương trình. Chủ của hai con tàu, một người đã có 30 năm kinh nghiệm trong vai trò thuyền trưởng tàu viễn dương, một người cũng đã gắn bó hơn 30 năm với nghề lữ hành trên sông, làm rất nhiều bài thơ về sông, biển, tàu. “Họ đã hỗ trợ chúng tôi tất cả những gì chúng tôi cần, hỗ trợ giải quyết khó khăn khi tập luyện trên sông” – Tổng đạo diễn Lê Hải Yến kể - “Tôi thấy, chương trình mà chúng tôi thực hiện đang có “Địa lợi” và “Nhân hòa”, giờ chỉ mong “Thiên thời” để chương trình diễn ra được tốt đẹp”.
Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 2023 là dịp khơi dậy tình yêu quê hương và niềm tự hào của chính người dân nơi đây về lịch sử ngàn đời của cha ông trên vùng đất này. Đem lại nguồn cảm hứng và những trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách về bản sắc văn hóa, về những điều đặc biệt nhất của Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ. Lễ hội sẽ giúp phát huy tiềm năng vốn có và khai thác tối đa giá trị kinh tế, văn hóa, du lịch của dòng sông Sài Gòn; thúc đẩy truyền thông và quảng bá về các làng nghề truyền thống, các biểu tượng du lịch và điểm đến văn hóa, giải trí đặc trưng nhất, giúp định vị thương hiệu đô thị sông nước giàu bản sắc của Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện”- Signature Show "The Story Of A River" sẽ sử dụng công nghệ 3D, mapping lên toàn bộ phần sàn của bối cảnh trên bờ; hệ thống nhạc nước lập trình theo âm nhạc; hệ thống ánh sáng được tính toán công phu, chi tiết theo từng tiết mục.

Để tạo ra được những hình ảnh chân thật nhất, trong màn Khẩn hoang, ekip đạo diễn phải đi lục tìm lại những chiếc ghe bầu cổ từ miền Trung, phục dựng lại những cánh buồm xưa. Tới màn Chợ nổi, ekip cũng huy động hơn 40 chiếc xuồng ba lá và tam bản để tái hiện khung cảnh chợ hoa bến Bình Đông ngày Tết. Màn diễu hành với hơn 30 tàu thuyền du lịch các loại: từ cano, thuyền buồm, tàu nhà hàng, tàu du lịch, water bus…sẽ là một hình ảnh ẩn dụ cho sự phát triển phồn thịnh mà ngành du lịch sẽ mang lại cho dòng sông Sài Gòn.
Chương cuối sẽ là một bữa tiệc toàn bích của các công nghệ trình diễn hiện đại bậc nhất với hệ thống đèn lazer công suất lớn, màn trình diễn flyboard đặc sắc, kết hợp cùng phần trình diễn drone show và pháo hoa trên trời cùng ánh sáng từ hàng chục tàu thuyền lớn trên sông.

0 Nhận xét