(Hotnow.vn) - Thanh Thảo Vietnam Idol 2023 mang đến một ca khúc cực ý nghĩa, đưa ra lời khuyên cực hữu ích cho các bạn học sinh về cách vượt qua khó khăn.
Trong tập này, khách mời sẽ cùng đồng hành với các bạn học sinh là Top 5 Vietnam Idol 2023: Thanh Thảo - Muội. Tại sân khấu của Thiếu Niên Tỏa Sáng, Muội đã gửi tặng đến các bạn học sinh trường THPT Hiệp Bình ca khúc do cô tự sáng tác mang tên "Em còn đẹp lắm".
Thông qua bài hát này, Muội cũng chia sẻ, cô từng là nạn nhân của việc body shaming thời học sinh. Thời điểm đó, Muội cũng rơi vào trạng thái stress nhưng may mắn đã vượt qua. Qua bài hát này, Muội muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ rằng, cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra cũng đều có cách giải quyết.
Và cách của Muội đó là khi gặp khó khăn, hãy nói ra với những người mà mình tin tưởng. Nguyễn Phạm Nhật Vi - lớp 12A1: Nữ sinh có sở thích kỳ lạ, thường tìm kiếm đối tượng để "ghét" rồi làm động lực phấn đấu.
Nhật Vi cho hay, lý do mà nữ sinh tìm đến môn Ngữ Văn là do không thích một bạn khác, do bạn đó có điểm môn Văn cao hơn Nhật Vi. Từ đó Nhật Vi lấy bạn đó làm động lực để học giỏi môn Ngữ Văn hơn.
Kể về kỷ niệm ghét "bạn ấy", Nhật Vi cho hay, hồi Nhật Vi học lớp 11, ngay lần gặp đầu tên, Nhật Vi đã ghét "bạn ấy". "Mình không ghét bạn ấy vì bạn ấy làm điều gì xấu hay tiêu cực, mình chỉ ghét bạn ấy vì muốn dựa vào bạn ấy làm mục tiêu để hoàn thiện bản thân mình hơn, cố gắng vượt lên để hơn bạn ấy.
Năm lớp 10, môn Văn của mình rất dở, đến năm lớp 11 thì môn Văn của mình đã cải thiện rất nhiều. Đến hiện tại, mình không còn ghét bạn ấy nữa, trái lại mình thầm cảm ơn bạn ấy vì nhờ bạn ấy mà mình thành công như bây giờ?", Nhật Vi chia sẻ.
Bên cạnh đó, nữ sinh cũng chia sẻ, hiện tại, nữ sinh đã chuyển sang ghét bạn... lớp trưởng - Diễm My. Theo Vi, lớp trưởng là cô bạn học giỏi, gương mẫu, đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi. Nhật Vi đã nhìn vào lớp trưởng để cố gắng, cô bạn cho biết đã nỗ lực học hành rất nhiều để bằng điểm với bạn lớp trưởng nhưng vẫn chưa theo kịp.
"Mình sẽ sớm bắt được bạn thôi bạn ơi", Nhật Vi nhắn nhủ đến Diễm My. "Cái cách ghét người khác của Nhật Vi khá khác người bình thường. Nhật Vi không ghét kiểu thù hằn mà ghét để lấy động lực vươn lên, đấy là một điều rất tích cực", Diễm My chia sẻ.
Khi được Gil Lê hỏi rằng "em có muốn bạn sẽ vượt mình không?", Diễm My thẳng thắn: "Dạ không ạ, tại vì trong lúc. Nhật Vi nỗ lực thì em cũng nỗ lực mà. Em sẽ chờ một ngày nào đó bạn bằng em". Nghe lời thách thức của lớp trưởng, Nhật Vi đáp lại: "Diễm My, chờ đó đi".
Nói về Nhật Vi, cô Hiền - giáo viên chủ nhiệm cho biết: “Trong nhiều năm chủ nhiệm, cô thấy đây là cái ghét đáng yêu nhất. Cô nghĩ rằng, cô cũng không cần hóa giải "cái ghét" giữa Diễm My và Nhật Vi, bởi "cái ghét" này sẽ giúp 2 bạn ngày càng tốt hơn. Cô rất hạnh phúc và tự hào về 2 bạn".
Cô Đoàn Văn - giáo viên hướng dẫn đội tuyển học sinh giỏi Văn của trường, may mắn có cơ hội đào tạo cả hai bạn. "Nhật Vi, em đã dũng cảm đứng trên bục dũng khí để chia sẻ cảm xúc với các bạn trong trường thì cô tin rằng, ngày gần nhất, em sẽ đứng trên bục vinh quang để đạt được ước mơ của em", cô giáo nói.
Lê Trần Thị Kiều Gấm - học sinh lớp 11A14: Nữ sinh 'bóc phốt' cựu lớp trưởng cực đáng yêu. Theo lời Kiều Gấm, Hoài Vy là người thân thiện, yêu thương bạn bè, giúp mọi người đoàn kết hơn. Trước khi gửi lời cảm Hoài Vy, Kiều Gấm muốn "bóc phốt" cô bạn lớp trưởng này.
"Nguyễn Vũ Hoài Vy, bạn là người có thành tích vô cùng tích cực nhưng bên cạnh đó, bạn là người vô cùng ham ăn", Kiều Gấm nói. "Mỗi lần tui ăn là bạn cũng ăn mà", Hoài Vy phân bua. "Nhưng tui ăn ít hơn bạn", Kiều Gấm đáp lại. "Hai đứa mình ăn chung với nhau mà", Hoài Vy không chịu thua.
Ngoài ra, Kiều Gấm còn cho hay, Hoài Vy tuy học giỏi nhưng rất hay "khịa" các bạn khác trong lớp. Mỗi khi làm bài kiểm tra, Hoài Vy luôn than thở rằng làm không được bài, chắc điểm thấp lắm. Thế nhưng khi bài kiểm tra được phát ra, thì cô bạn này toàn được điểm 9, 10.
Mỗi lần thấy tụi em bị điểm xấu, Hoài Vy tiếp tục "cà khịa" rằng "mấy bạn phải học tốt như tui nè. Thực sự điều này khiến trái tim tụi em như vỡ vụn". Dù bị lớp trưởng "cà khịa" nhưng Kiều Gấm và các bạn khác không hề giận dỗi, trái lại càng thêm quý mến, bởi cô bạn biết, Hoài Vy chỉ nói như thế để mọi người thêm cố gắng và tích cực hơn, không lười nhác trong việc học tập của mình.
Trước màn "bóc phốt" đáng yêu của Kiều Gấm, Hoài Vy chia sẻ: "Đến lớp 11, mình và Gấm mới chơi thân như hiện tại. Mình chúc bạn lúc nào cũng vui vẻ và cố gắng học tập thật tốt để xứng đáng với những gì bạn đã bỏ ra. Mình thấy bạn rất siêng năng nhưng do bạn không cẩn thận nên hay bị sai, Gấm nên rút kinh nghiệm nha".
Kiều Gấm nhắn nhủ đến Hoài Vy: "Vy ơi, mặc dù hiện tại bạn không còn là lớp trưởng của lớp 11A14 nữa nhưng bạn luôn là người dẫn dắt tinh thần cả lớp đi lên, giúp đỡ các bạn trong lớp. Hôm nay, tui muốn thay mặt lớp 11A4 cảm ơn Hoài Vy, mong Hoài Vy luôn như thế và đừng dừng lại nha".
Anh Thư (Trường THPT Hiệp Bình): Nữ sinh đau đáu về cái ôm, cái hôn cuối cùng mà người cha hết mực yêu thương dành cho mình “Mình là Nguyễn Hoàng Anh Thư, là thành viên của lớp 12A9. Có bạn nào ở đây đã từng xem qua bộ phim The Lion King chưa? Bản thân mình là một fan cứng của bộ phim này và có một câu nói trong phim đã luôn thôi thúc mình không được dừng lại mỗi khi gặp chuyện tiêu cực. Đó là "mỗi người chúng ta có quá khứ đau buồn, quan trọng là mình có dám đứng lên và bước tiếp hay chọn cách dừng lại ở phía sau".
Bản thân mình ở những năm cấp 2, mình đã chọn cách trốn tránh và ẩn mình sau những khoảng không tăm tối của chính mình, khép mình lại với mọi thứ. Mình rụt rè, sợ đám đông và không tham gia vào bất kỳ một hoạt động nào.
Theo như mình nghĩ, thời gian ra chơi, hay những thời gian trông tiết có lẽ là lúc các bạn cảm thấy thích thú và hạnh phúc nhất vì được trò chuyện giao lưu với bạn bè. Nhưng với bản thân mình thì lại khác. Lúc đó bản thân mình cảm thấy rất là tồi tệ vì mình không có ai để trò chuyện cả.
Mình nghĩ là ai trong cuộc đời cũng có những sự kiện làm cho bản thân trưởng thành hơn. Hôm đó, vẫn như những buổi chiều gia đình mình cùng nhau ăn cơm, cùng nhau tâm sự. Sau khi đi làm về, ba mình vẫn trao cho mình cái ôm, cái hôn như mọi khi. Mình không hề biết đó chính là những cái ôm, cái hôn cuối cùng dành cho mình. Thời điểm đó, mình cảm giác như ông trời đã cướp đi mọi thứ của mình chỉ trong tích tắc.
Sau khi mình tỉnh lại lúc ấy là khoảng 3h sáng, mình dường như không còn gì cả. Những quan tâm chăm sóc, những cái ôm, cái hôn hay chỉ đơn giản là tiếng gọi ba thôi mình đã không còn được tiếp tục nói nữa rồi bởi vì ba mình đã mất do bị đột quỵ. Lúc ấy mình như đơ ra, mình nhớ là mình có khóc nấc lên một tiếng. Ngay lúc đó mẹ mình đã nói: "Giờ con phải mạnh mẽ lên, con còn có em nhỏ mới 3 tuổi thôi. Mẹ cần con đứng phía sau để ủng hộ tinh thần để mẹ có thể vững bước vượt qua nỗi đau lớn này.
Vì thế trong suốt quá trình diễn ra đám ma của ba, mình đã khóa chặt mọi cảm xúc của mình lại. Khuôn mặt của mình lạnh tanh và mình không thể rơi được một giọt nước mắt nào. Chính sau lần đó, mọi người lại có suy nghĩ không đúng về mình, mọi người hay bảo mình là: "Cái con nhỏ này, nó không có tim"”, Anh Thư nghẹn ngào chia sẻ.
Khoảng 1, 2 năm sau đó, mẹ và em gái của Thư phải sang nước ngoài để ổn định nguồn kinh tế cho gia đình. Thư ở lại đây với ngoại, nhưng dường như ở Thư và ngoại có sự chênh lệch thế hệ nên có những suy nghĩ khác nhau, cách nhìn nhận sự việc, cách giải quyết khó khăn trong cuộc sống cũng rất khác. Anh Thư cho biết, đôi khi cảm thấy không thể nào chia sẻ mọi thứ với ngoại và ngoại cũng không hiểu hết được.
Trong khi đó, Thư cũng không thể tâm sự nhiều với mẹ vì khoảng cách địa lý, thời gian: “Thời gian dần dần làm cho cuộc hội thoại của mình và mẹ càng thu hẹp lại. Có một thời gian mình và mẹ chỉ gọi tầm vài phút và chỉ nói những chuyện thực sự quan trọng”, Anh Thư cho biết.
“Mọi thứ thay đổi khi mình lên cấp 3, may mắn thay năm đó mình trở thành thủ khoa đầu vào của trường và được thầy Ngọc (trợ lý thanh niên) biết và tìm đến mình. Thầy trao cho mình nhiều cơ hội để được va chạm và tiếp xúc, cởi mở bản thân hơn. Tuy ban đầu mình rụt rè và không thể hiện được tài lẻ nào nhưng thầy vẫn luôn tin tưởng và trao cho mình cơ hội được đọc lời tuyên thệ, được tham gia vào lớp dạy tình thương cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
Qua trải nghiệm ở lớp học tình thương, các em nhỏ đã để lại cho mình cảm xúc và nhiều kỷ niệm đẹp. Nhờ đó cũng giúp bản thân mình có nhiều cái nhìn mới hơn trong cuộc sống của mình”.
“Thông qua chương trình, mình muốn gửi lời cảm ơn đến ngoại. Cảm ơn ngoại đã nuôi nấng con trong suốt 18 năm, từ nhỏ đến lớn. Con cũng muốn gửi lời xin lỗi tới ngoại, vì từ trước đến giờ con rất ngại nói những điều thế này. Hôm nay, thông qua chương trình con muốn gửi lời xin lỗi đến ngoại vì những lần con làm sai, những lần con không kiềm chế được cảm xúc đã tạo ra khoảng cách giữa con và ngoại. Con cũng hy vọng, sau hôm nay ngoại sẽ hiểu và lắng nghe con nhiều hơn”.
Tiếp Anh Thư muốn gửi lời cảm ơn đến thầy Ngọc. "Thầy không chỉ như một người thầy mà với con thầy là một người anh, một "Iron Man" của đời con vậy. Thầy đã trao cho con rất nhiều cơ hội được va chạm thực tế, có thêm nhiều kỹ năng, đủ bản lĩnh để hôm nay có thể đứng trên bục, nói lên những cảm xúc mà con đã che giấu bấy lâu nay".
Cuối cùng Thư gửi lời cảm ơn mẹ của mình. "Cảm ơn mẹ đã luôn cố gắng để con có một cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ. Có một điều con luôn hối tiếc, đó là lần mẹ về nước đầu tiên sau 4 năm, con đã luôn tìm cách né tránh cử chỉ yêu thương hay lời tâm sự, hỏi han của mẹ. Lúc ấy con rất sợ, mỗi lần con đứng gần mẹ, những cảm xúc của con dâng lên và không thể nói được điều gì. Hiện tại con rất mong trong lần gặp gỡ tiếp theo con sẽ chủ động chạy đến và ôm mẹ thật chặt".
Bà ngoại của Anh Thư chia sẻ: "Thư là đứa trẻ ngoan, thông minh, tự lập, tự làm hết không để ai phải nhắc nhở". Ngoại cho biết, nhờ chương trình ngoại mới hiểu thêm được tâm sự của cháu gái. Đó giờ tính Thư ít nói mà ngoại cũng không nói nhiều nên cả hai ít tâm sự. Cũng tại chương trình bà ngoại dành lời động viên cho cháu gái, ngoại tin bé Thư sẽ làm được, thành công hơn.
Thầy Kim Ngọc - người dẫn dắt Anh Thư tại trường THPT Hiện Bình cho biết: "Gắn bó với em Thư đến nay là năm thứ 3, em làm bí thư từ năm lớp 11. Chọn em Thư làm phó bí thư từ năm lớp 10 vì tôi cảm thấy rất tin tưởng và em Thư cũng không làm tôi thất vọng".
Phạm Quách Gia Bảo (Lớp 10 A6 - Trường THPT Hiệp Bình): Nam sinh kể lại hành trình thoát khỏi vùng an toàn, giúp bản thân ngày càng tự tin. Hiên tại Bảo đang nằm trong ban chấp hành đoàn trường. Bảo tâm sự: "Có thể ở cấp 3 mọi người thấy mình là con người đầy nhiệt huyết với công việc, có đầy sự tích cực và truyền năng lượng đến mọi người nhưng đằng sau đó là một cậu bé đã sống trong vùng an toàn và làm bạn với cô đơn".
Bảo kể: "Đầu năm cấp 1, mình được xếp vào một lớp và ngồi chung với 1 bạn. Trong giờ kiểm tra bạn ấy có hỏi mình rằng: "Bạn có biết làm bài này không?". Mình trả lời: "Xin lỗi bạn, mình không biết làm". Lúc kiểm tra xong, bạn ấy có nói qua nói lại mình. Mình cảm giác như mọi người ghét và xa lánh mình.
Bản thân mình cảm thấy mình không hề ích kỷ. Thực ra là mình sợ sai nên không dám chỉ cho các bạn. Mình rất muốn chia sẻ cho các bạn cách tốt nhất nhưng các bạn lại nghĩ theo hướng tiêu cực. Lúc đó mình cảm thấy rất buồn vì bạn bè xa lánh trong suốt 5 năm cấp 1.
Có một lần, mình ăn cơm trưa, nhưng thấy mình, mọi người xách bàn ghế di chuyển qua nơi khác, không muốn ăn chung với mình. Mình rất là buồn và mình chạy vào phòng và bật khóc rất to. Trong khoảng thời gian đó mình rất là buồn và khủng hoảng. Mình tự dằn vặt suy nghĩ, không hiểu bản thân đã làm gì mà khiến mọi người ghét mình?
Mình không dám tâm sự với ba mẹ. Bình thường thời gian ba mẹ dành cho mình cũng rất ít, có thể nói là không có. Bởi gia đình mình mở tiệm làm tóc, rất bận rộn. Gia đình mình cũng không có truyền thống ăn cơm chung với nhau mà mạnh ai nấy ăn. Mình cảm giác chỉ có 1 mình ăn cơm, rồi tự một mình nói chuyện.
Mình cũng không dám tâm sự gì vì biết ba mẹ rất bận. Có thể mình nói, ba mẹ vẫn lắng nghe nhưng sau đó thì gạt sang một bên. Cảm giác lúc đó rất hụt hẫng và cô đơn. Mình cũng có những suy nghĩ tiêu cực. Mình từng hỏi ba mẹ rằng: Con có phải con của ba mẹ không? mà tại sao ba mẹ không dành thời gian cho con?”.
Nhưng may mắn khoảng thời gian cấp 3 đã thay đổi cuộc sống, tính cách của Gia Bảo. Nam sinh kể: "May mắn là mình được trao cơ hội tham gia các phong trào do nhà trường tổ chức, gặp các anh chị. Nhờ đó giúp mình thoát khỏi sự tiêu cực.
Có một người luôn giúp đỡ mình đó là chị Hương Lan (Phó Bí Thư đoàn trường). Chị ấy đã nói một câu rằng: "Em là chính em, em phải thoát khỏi vùng an toàn của em để bước vào vùng ánh sáng. Để khi em thành công, em sẽ có nhiều bạn hơn. Để em rút kinh nghiệm, học hỏi thêm nhiều điều".
Từ câu nói đó mình cũng tham gia các hoạt động, phong trào do nhà trường tổ chức. Mình tham gia Hội thi Chỉ huy đội giỏi cấp quận và giành giải Khuyến khích và được phong danh hiệu Hoa nhân ái 2020. Những điều đó trở thành cột mốc đáng nhớ với mình. Những cột mốc đó giúp mình trưởng thành hơn.
Mình cũng muốn dành cảm ơn đến các bạn của mình và những bạn từng chơi với mình. Cảm ơn các bạn đã là một phần trong cuộc sống của mình. Cám ơn các bạn vì đã luôn tâm sự và chia sẻ mỗi khi mình buồn và cô đơn. Đặc biệt, mình cảm thấy rất hạnh phúc khi được học lớp 10A6, ở đó có cô Tâm - giáo viên chủ nhiệm. Con cũng cám ơn nhà trường vì đã luôn hỗ trợ, tạo điều kiện để con tham gia các hoạt động, giúp con trưởng thành hơn, tích cực hơn".
Gia Bảo chia sẻ thêm: "Con nhận bản thân đã sai khi không tâm sự với ba mẹ. Nhưng con nghĩ rằng ba mẹ cũng sai vì ba mẹ không hề dành thời gian nói chuyện, tâm sự với con".
Tại chương trình, Gia Bảo ngậm ngùi cho biết thật tiếc khi ba mẹ hiện tại cũng không có ở đây để lắng nghe tiếng lòng của mình. Bảo nói: "Ba mẹ nếu như có xem được chương trình thì con mong là ba mẹ sẽ có nhiều khoảng thời gian dành cho con hơn, quan tâm con nhiều hơn. Mong rằng ba mẹ sẽ luôn bên con mỗi khi con buồn, giúp con càng ngày càng phát triển bản thân mình hơn".
Gia Bảo muốn tiếp thêm dũng khí cho các bạn chưa dám nói lên tâm sự của mình. "Mình xin mượn lời của hoa hậu H'Hen Niê: I can do it, you can do it". Mình làm được, thì các bạn cũng làm được".
Thanh Bình (Ủy viên ban chấp hành trường) cũng là bạn của Gia Bảo chia sẻ: "Mình cảm thấy rất vui và tự hào khi có 1 người em, một người bạn tự tin. Bảo trưởng thành hơn rất nhiều trong suy nghĩ lẫn hành động. Đặc biệt là cách bạn quan tâm đến mọi người xung quanh. Hãy luôn tự tin, mang lại năng lượng tích cực cho mọi người xung quanh và chính bản thân em nhé".
Lê Hải Yến - 10A9, trường THPT Hiệp Bình: Nữ sinh với mái tóc ngắn cá tính: Sự dị biệt là lựa chọn của bản thân mình. "Hôm nay bước lên bục dũng khí, mình muốn kể về mái tóc ngắn. Mình nghĩ đối với mình sự cá tính chính là thể hiện được bản thân, còn sự dị biệt chính là lựa chọn của bản thân. Mình đã quyết tâm bước lên bục dũng khí", Lê Hải Yến giới thiệu.
Sau đó cô gái cá tính bước lên bục dũng khí trước tràng pháo tay của các bạn cùng trường. Hải Yến giới thiệu bản thân rồi chia sẻ câu chuyện của bản thân. "Mái tóc chính là câu chuyện mình muốn kể ngày hôm nay. Mình cắt tóc ly kỳ như thế nào. Hôm đó 12h đêm, mình tự cầm kéo cắt đi mái tóc dài của mình", Hải Yến cho hay.
MC Gil Lê liền hỏi: "Tại sao em lại cắt tóc vào 12h đêm". Hải Yến đáp: "Vì hôm đó em đi học đến 10h đêm mới về, em có ấp ủ cắt tóc ngắn từ rất lâu rồi. Em nghĩ đó là thời điểm bản thân suy nghĩ đủ kỹ để cắt đi một khúc dài. Khi xuống nhà, bà ngoại mình là người đầu tiên thấy bộ dạng tóc của mình. Sau đó là ba mẹ. Phản ứng chung của mọi người rất là sốc, không hiểu vì sao mình làm như vậy.
Bắt đầu có 2 luồng ý kiến: bà ngoại rất ủng hộ vì gọn gàng và phù hợp; ba mẹ có phản ứng trái chiều hơn. Ngay hôm sau ba chở mình đi sửa lại mái tóc lởm chởm rồi hẹn qua quán cà phê hỏi tại sao lại cắt tóc như vậy.
Ba rất sợ mình có vấn đề tâm lý, sẽ có hành động tổn hại đến bản thân. Mình nói rất thoải mái với mái tóc. Mâu thuẫn này kéo dài cho đến khi có sự kiện ba mẹ đi nói chuyện với một cô bạn của ba. Cô nói chuyện và nói mình có tính hướng khác biệt. Nó là ngòi lửa châm vào cuộc mâu thuẫn của ba mẹ.
Bắt đầu mình đặt nhiều câu hỏi vì sao mẹ lại quan tâm lời người khác nói, nghi ngờ mình như vậy? Tại sao mẹ lại chưa hề nghĩ đến cảm xúc của mình khi nghe những lời đó". Nghe xong MC liền an ủi: "Và như em nói, những người gần mình nhất lại không hiểu mình. Bởi họ quá gần, dễ bị choáng ngợp và sốc trước sự thay đổi của mình.
Gil đó là sự quan tâm đúng nhưng không phải ai cũng là chuyên gia tâm lý để nói những lời mình muốn nghe. Họ sẽ thể hiện cảm xúc của mình khiến em áp lực". Hải Yến liền tiết lộ gia đình đã quen với việc tóc dài. Hôm em cắt tóc ba có xoa đầu em cười, giờ sáng nào cũng vậy. Có lẽ ba muốn em cắt tóc dài. Nhưng ba biết có lẽ không phải bây giờ. Còn mẹ em bắt đầu rủ em đi cắt tóc tạo kiểu để mái tóc đẹp hơn, gọn gàng và phù hợp hơn.
Nguyễn Đăng Cường - 12A3, trường THPT Hiệp Bình: Nam sinh với ước mơ theo đuổi ngành du lịch, từng không có tiếng nói chung với ba. "Hôm nay đứng trên bục dũng khí này mình muốn trình bày về ước mơ của mình. Mình đang đứng trước 2 luồng ý kiến của cậu và ba mình.
Cậu mình là hướng dẫn viên du lịch dẫn đoàn đi đây đi đó. Đó cũng là ước mơ của mình. Còn ba mình muốn mình học Công nghệ thông tin nhưng ba không hiết ngành đó học chuyên môn Lý, Hoá, Tin và Toán. Nhưng mình lại học tốt môn Văn, Sử, Địa và phù hợp với ngành du lịch. Mình mong ba hãy xem xét và ủng hộ thi ngành du lịch.
Giá trị ngành du lịch rất lớn, được đi đây đi đó, hiểu kiến thức văn hoá xã hội hơn. Nếu ba cho con học thêm du lịch sẽ học thêm tiếng Anh để giới thiệu với khách nước ngoài về phong cảnh, văn hoá đất nước mình... Mình muốn hỏi ba rằng nếu ba làm công việc bản thân không thích có làm được không, làm được bao lâu".
Sau đó Cường được tương tác với cậu và ba của mình. "Cha mẹ nào cũng định hướng cho con vào lớp 12. Gia đình lúc đầu hướng đi theo công nghệ thông tin vì xã hội đi lên, sau này có cuộc sống ổn định. Hiện tại 2 ba con không có tiếng nói chung. Trong gia đình căng thẳng lắm, sau đó có cuộc nói chuyện. Ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, giờ cha mẹ nghe theo lời con.
Bữa nay nghe con nói, tôi mới hiểu được tâm tư mà con thổ lộ. Cường ít khi thổ lộ lắm, nay mới biết. Tôi cũng cảm ơn chương trình giúp mình hiểu con mình hơn", ba của Cường bộc bạch. Cường tiếp tục xin ý kiến của cậu - người làm hướng dẫn viên du lịch để bản thân tiếp tục theo ước mơ. Cậu của Cường rất vui tại lâu rồi cậu cháu cũng như có dịp tương tác với nhau, mặc dù cũng hay nghe cháu nói sẽ nghe ngành của cậu.
"Cậu thấy rất vui khi con đã nhìn nhận được cái nghề làm bằng công sức của ta đều được trân quý. Con chuẩn bị tinh thần, đam mê về nó là 2 điều đầu tiên. Khi con đã xác định được, ba mẹ cũng đã thấu hiểu nên cậu muốn nói: Ngành nào cũng vậy, phải đầu tư đọc cho nhiều, học tốt tiếng Anh. Cậu chúc con hãy vượt qua thử thách, lúc nào cũng nở nụ cười, chứ đừng căng thẳng quá", cậu của Cường nói.
Trần Vũ Nam Hải (lớp 11A5 trường THPT Hiệp Bình): Nam sinh chia sẻ sai lầm trong quá khứ, mong có thời gian được ngồi lại với bố. Trần Vũ Nam Hải (lớp 11A5 trường THPT Hiệp Bình) mình muốn chia sẻ với các bạn về sai lầm trong quá khứ. Hải có gia đình không trọn vẹn vì ba mẹ không còn ở chung với nhau từ nhỏ. Bạn đang ở với ông bà, các bác, ba đang đi làm xa.
Cuối năm lớp 7, bạn đang ở trong tuổi nổi loạn nên khó hiểu về bản thân mình, lạc vào trong mớ tiêu cực, không suy nghĩ gì về mọi thứ xung quanh. Những lần đi chơi net, bạn cần có tiền nên phải đi ăn trộm.
Nam Hải chia sẻ về quá trình ăn trộm tiền của mình: “Mình không biết số tiền mình lấy là bao nhiêu. Mình chỉ quan tâm đến ngày mai mình chơi game gì. Mình nạp bao nhiêu tiền, ăn gì trong quán net đó”.
Sau đấy, bố Nam Hải về. Ông không đi làm xa nữa mà chạy xe công nghệ. Tình cờ ông thấy Hải bước chân vào quán net. Ông về nhà, dọn bữa cơm hỏi: “Gia đình này có cho con thiếu gì về vật chất không mà con lại đi ăn cắp như vậy?”.
Câu nói ấy tác động rất lớn đến Hải. Hải đã hiểu ra được hậu quả sự ăn cắp, nghiện game. “Mỗi khi xin tiền bố mẹ, em thấy rất ngại. Có hôm mình suy nghĩ tới 2-3 ngày mới dám xin bố”, Hải nói. Sau đấy, Nam Hải nghẹn ngào kể lại, bố nghi ngờ Hải có bao nhiêu tiền “cống hết cho tiệm net”. Lúc đó, Hải thấy tức lắm chỉ muốn chửi lộn, tay đấm vô tường.
“Lời nói vô tình của bố nhưng thực sự ảnh hưởng đến con rất lớn. Con chỉ mong sau có dịp hai bố con ngồi lại nói chuyện, kể hết tâm tư của hai bố con trong thời gian qua”, Hải nói trong nước mắt. Thông qua câu chuyện, Hải mong muốn được chia sẻ tâm tư nguyện vọng của mình. Bạn mong rằng gia đình sẽ thấu hiểu những nỗi buồn mà bạn chất chứa trong lòng.
Gil Lê cho biết, thật sự Gil rất cảm ơn gia đình Hải đã chọn cách nhẹ nhàng cho lỗi lầm của con. “Nếu như lúc ấy bố làm căng quá hay làm em mất mặt giữa quán net, có lẽ em không nhận ra tình cảm mà bố gửi đến em”, Gil nói.
Nam Hải lúc này đã nhận ra được lỗi của mình, bạn hứa với ông bà sẽ học giỏi, phát triển và trưởng thành hơn. “Con hứa với bố, con của bố sẽ không làm bố thất vọng. Con yêu cả gia đình của mình rất nhiều”, Hải nói.
Hải tiến đến ôm ông bà gửi cái ôm. Tuy thế, Nam Hải vẫn mong muốn một ngày nào đó bố sẽ hỏi Hải rằng: “Con có ổn không?”. Lê Thị Mỹ Tâm (lớp 12A9 trường THPT Hiệp Bình): Cô bạn dí dỏm kể về cậu em trai ‘ông cụ non’, hứa sẽ dành thời gian cho gia đình nhiều hơn.
Lê Thị Mỹ Tâm (lớp 12A9 trường THPT Hiệp Bình) kể về cậu em trai của mình. Cô bạn hỏi ở đây có em không, sau đó kể về cậu em lớp 5 của mình là “ông cụ non chính hiệu”, nấu ăn ngon cho chị ăn, là người dũng cảm đưa mái tóc cho chị cắt, là người đàn ông hiểu chuyện.
“Mình là người khá là hậu đậu. Mỗi lần mình hậu đậu em đều nói: ‘Chị Hai lại hậu đậu nữa rồi’. Hai muốn nói là ở nhà tuy Hai hậu đậu, hay la mắng Tuấn, không bao giờ nói lời yêu thương em. Thực sự Hai luôn âm thầm quan tâm cho Tuấn.
Đây là lần đầu tiên Hai lấy hết can đảm nói là Hai yêu Tuấn. Bình thường Hai ở trường luôn năng động, tự tin nhưng ở nhà Hai lại là cá tính đối lập, rất ít nói, hay khó chịu, cằn nhằn. Mỗi lần có áp lực, Hai đều lấy gia đình mình để giải toả áp lực”, Tâm nói.
Nhân đây, Tâm cũng gửi lời xin lỗi mẹ vì là đứa con hay khó tính, nhăn nhó, vô tâm với gia đình. MC Gil Lê cho biết: “Lần này em đã dũng cảm nói ra được hết là giỏi rồi”. Em trai Mỹ Tâm cho biết, ở nhà chị Hai cũng có nói lời yêu thương với Tuấn nhưng cộc cằn cũng hơi nhiều. Em trai cám ơn chị Hai, động viên chị luôn hiền, ở bên gia đình, chỉ em học bài nhiều hơn. Em còn hứa sẽ nấu gà cho chị Hai ăn.
Nghe lời chia sẻ của cậu em, MC nhắn nhủ: “Gil hy vọng hai chị em luôn ở cạnh bên nhau”. Mẹ của Tâm khen ở nhà hai con của cô đều tự lập, sáng tự lo do ba mẹ đi làm từ sáng sớm. Mẹ cho biết cô luôn hãnh diện về con cái nhưng khuyên con hãy mở lòng ra, dành thời gian cho em chứ đừng lên phòng rồi cáu gắt với em.
“Nhà mình chỉ có buổi tối để quây quần bên nhau. Mẹ mong con hãy dành nhiều thời gian cho gia đình”, cô nói. Lúc này, MC mới vỡ ra rằng, gia đình Tâm do ba mẹ khá bận rộn nên khó có không gian cả nhà nói chuyện với nhau. Cuối cùng, Tâm đã ôm chầm lấy mẹ và em trai của mình thay cho lời xin lỗi và cảm ơn.
Cuối chương trình Thiếu niên toả sáng là bài hát Ngày tôi thức giấc (sáng tác và biểu diễn: Lê Phúc Dương Anh) như một món quà dành cho các bạn bè, phụ huynh. Gil Lê mong rằng, đây sẽ là nguồn động lực truyền cảm hứng đến học sinh và các bậc phụ huynh.
0 Nhận xét