Tô Nhi A giúp chữa lành cho cô gái bị tổn thương vì chứng kiến cảnh cha bạo hành mẹ

(Hotnow.vn) - Cô gái bị tổn thương vì ám ảnh cảnh cha bạo hành mẹ, muốn trở thành người giúp chữa lành cho người khác lại bị Tiến sĩ Tô Nhi A phản ứng.

Trong tập 3 chương trình Vali Cảm Xúc vừa lên sóng với sự dẫn dắt của Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A. Khách mời tuần này là Vân Vy, một cô gái có vẻ ngoài trẻ trung, năng động đang làm công việc quản lý nghệ sĩ. Đến với chương trình, Vân Vy kéo theo chiếc vali có chứa những đồ vật mang theo những kỷ niệm vui buồn gắn với đời mình.
Với công việc đòi hỏi nhiều sự giao tiếp, cùng với sự năng động của mình nhưng bên trong Vân Vy lại có nhiều tâm sự bởi những biến cố trong cuộc sống mà cô nàng đã trải qua. Mở chiếc vali chứa đầy kỷ niệm, món đồ đầu tiên mà Vân Vy mang theo là một con gấu bông đang trong trạng thái ngủ. Là một món quà lưu niệm, món đồ chơi xinh đẹp lại gắn với từ khóa “bí bách” và “bùng nổ” khiến Tiến sĩ Tô Nhi A không khỏi bất ngờ.
Nhớ lại quá khứ, Vân Vy cho biết nhưng khi bí bách thì cô sẽ thu gọn nổi lòng mình bằng cách ngủ thật nhiều. Cụ thể, khi mới lớp 5, cha mẹ Vân Vy đã đặt kỳ vọng con gái phải học thật nhiều, phải đậu vào lớp chuyên nhưng không được. Kết quả là cô nàng đã chịu rất nhiều đòn roi từ mẹ. Dần dà, chuyện khiến Vân Vy trở nên bùng nổ là lúc cô nàng học cấp ba, những lần cha đánh mẹ, thậm chí đánh cả cô nàng khi can ngăn hành động bạo lực của cha.
Vân Vy bị ám ảnh và luôn cho rằng cha không hiểu mẹ, không cảm nhận được những tổn thương mà mẹ đã chịu. Vân Vy tiết lộ chuyện mẹ từng bị trầm cảm sau sinh vì em trai cô đã mất ngay sau khi ra đời. Lúc đó, cha cô nàng cũng không ở cạnh mẹ, khoảng thời gian mẹ bị rối loạn lo âu nhưng cha cũng không biết. Chính những tổn thương trong quá khứ khiến cô gái trẻ luôn ám ảnh.

Vân Vy cho biết thêm, cô thường xuyên mất ngủ, bị sợ bóng tối, phải mở đèn khi ngủ và sợ cả các tiếng ồn xung quanh. Việc mất ngủ diễn ra thường xuyên sau khi mẹ của Vân Vy mất. “Lúc đi làm mọi người xung quanh đều nói em vui vẻ, năng động nhưng khi về nhà là em tự thu mình lại với nỗi buồn của riêng mình. Em thấy việc mình tiếp xúc với nhiều người qua khiến bản thân hao nhiều năng lượng”, Vân Vy tâm sự. Cô nàng chọn cách sử dụng nến thơm, nghe các đoạn pháp thoại để tinh thần thoải mái, dễ đi vào giấc ngủ.
Lắng nghe nỗi niềm của Vân Vy, Tiến sĩ Tô Nhi A đề nghị cô nàng phải cai nến thơm để không phải phụ thuộc vào bất cứ thứ gì khi ngủ. “Sự khỏe mạnh thật sự của chúng ta phải đến từ việc chúng ta tự thân khỏe mạnh. Chúng ta không thể bám víu vào thứ gì đó để tìm cảm giác an yên mới là an yên được”, tiến sĩ nói.

Nhắc lại câu chuyện gia đình nhân vật, Tô Nhi A cho rằng việc đổ lỗi cho người phụ nữ sinh con và rồi con mất là hành động rất sai trái. Song việc Vân Vy không hiểu cho nỗi đau mất con trai của cha cũng là điều không nên. Nhất là khi cha của cô nàng vẫn luôn tự hào về con gái, luôn thường xuyên tặng các món quà mà con gái thích vẫn không thể xoa dịu những tổn thương trong quá khứ của cô nàng.
Bên cạnh nỗi đau về gia đình, Vân Vy còn phải chịu tổn thương từ chuyện tình cảm tan vỡ. Cô kể, bạn trai cũ đến khi cô vừa mất mẹ nên dường như cô nàng bị phụ thuộc đối phương. Đến khi, người yêu rời thì thì tổn thương của Vân Vy càng thêm sâu sắc. Tuy nhiên, điều khiến Vân Vy trăn trở bấy lâu là mối quan hệ với cha ruột. Dù rất giận nhưng cô lại luôn có suy nghĩ “phải lo” cho cuộc sống của cha, không muốn ông phải vất vả đi làm kiếm tiền nữa.

Cụm từ “phải lo” cho cha của nhân vật khiến Tô Nhi A băn khoăn. Nữ tiến sĩ cho rằng đó chỉ là suy nghĩ đơn phương mà Vân Vy muốn, có lẽ cha cô luôn cảm thấy vui vẻ với công việc của mình chứ không hẳn là mệt mỏi. Tô Nhi A cho rằng, Vân Vy cần đánh giá sự việc một cách khách quan hơn, đứa con nào cũng yêu thương cha mẹ nhưng đừng vì mẹ là người bị tổn thương nhiều hơn mà phủ nhận những điều tốt cha đã làm, nhất là khi tới thời điểm này cha vẫn đang chu cấp kinh tế và yêu thương cho cô nàng.
Tiến sĩ Tô Nhi A cho rằng, người khó tính, người đang tự phong bế mọi thứ xung quanh mình chính là nhân vật Vân Vy chứ không phải là cha cô ấy. Khi biết Vân Vy muốn nghiên cứu về tâm lý học để trở thành người chữa lành cho người khác thì Tô Nhi A đã không đồng tình bởi nhân vật còn chưa tự chữa lành được cho bản thân. Tiến sĩ khuyên Vân Vy đừng tìm kiếm những phương pháp chữa lành bên ngoài nữa mà hãy tự chữa lành bằng việc gia tăng nội lực bên trong mình, bạn phải tin rằng mình có năng lực và hãy vận hành tốt cuộc sống của mình mà không phụ thuộc người khác.
Cuối cùng, tiến sĩ Tô Nhi A khuyên Vân Vy hãy dành thời gian đối thoại rõ ràng với cha để hai bên hiểu nhau hơn, đừng áp đặt rằng cha đi làm vất vả hãy nghỉ ngơi để cha nghỉ ở nhà cho mình lo nữa. Và cũng hãy hiểu cho những tổn thương, những nỗi đau bên trong của cha.

0 Nhận xét