'Chúng tôi như xát muối trong lòng khi công bố ca tử vong'

"Ngày buồn nhất là số ca tử vong lên tới 4 người, thông báo liên tục. Lúc nào lên mặt báo cũng thấy Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn công bố ca tử vong, thành ra tối đó là tôi như bị thất thần, rất buồn và cũng lo cho anh em", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.

Suốt 1 tháng dịch bùng phát ở Đà Nẵng, bệnh viện nào của "tâm dịch" cũng thấy bóng dáng người đàn ông tóc bạc, mặc đồ xanh lá đứng lẫn trong đội ngũ nhân viên y tế. Ông chăm chú quan sát từng chi tiết rồi từ tốn hỏi han những người xung quanh. Ai không biết dễ nhầm ông với bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân.

Đó là PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận Thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 (Bộ Chỉ huy tiền phương) tại TP Đà Nẵng. Dịch bệnh vừa bùng phát tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Sơn đã xin Thủ tướng ở lại "tâm dịch" và hứa đến khi dịch ổn định mới về. Nói về quyết định khi ấy, ông cười giản dị bảo đó là "nhiệm vụ của chiến sĩ", là tình cảm với miền Trung ruột thịt, chỉ ngặt nỗi đứa cháu lúc nào cũng hỏi "ông ngoại đã bắt được virus chưa?".

Sau gần 1 tháng dập dịch, Thứ trưởng Sơn khẳng định dịch bệnh tại Đà Nẵng đã được kiểm soát. Zing đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trước ngày ông rời Đà Nẵng về Hà Nội.

'Chúng tôi như xát muối trong lòng khi công bố ca tử vong'

- Đà Nẵng đã trải qua gần 1 tháng kể từ khi dịch tái bùng phát. Nhiều bác sĩ ví đây như một cuộc chiến rất gian nan vì những ca nhiễm đầu tiên xuất phát từ trong bệnh viện. Nhìn lại thời điểm đầu của dịch, theo ông, điều khiến ngành y tế lo ngại nhất là gì?

- Ngày 23/7, lãnh đạo Bộ Y tế tiếp nhận thông tin phát hiện ca bệnh đầu tiên (bệnh nhân 416) của giai đoạn dịch thứ 2 ở Bệnh viện C Đà Nẵng. Ca bệnh này trước đó còn nằm ở Trung tâm tim mạch của Bệnh viện Đà Nẵng. Đây là một dấu hiệu rất đáng lo ngại.

Bệnh viện là môi trường mà nhân viên y tế và các bệnh nhân tiếp xúc ở cự ly rất gần, khả năng lây nhiễm cao. Từ trước tới nay, điều chúng tôi lo ngại nhất là lây nhiễm ở bệnh viện vì đây là nơi có nhiều đối tượng yếu thế, có bệnh lý nền, người cao tuổi.

Lãnh đạo Bộ Y tế tiên lượng đây là dấu hiệu cho thấy sẽ còn những bệnh nhân khác đã nằm tại Bệnh viện Đà Nẵng, trong đó có cả nhân viên y tế - lực lượng chiến sĩ tuyến đầu chống dịch mắc Covid-19. Chúng tôi cực kỳ lo ngại.

Sau khi vào Huế ngày 30/7, tôi báo cáo với quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là với tình hình này số ca tử vong giai đoạn 2 chắc không ít vì toàn là những ca bệnh rất yếu, việc nhiễm virus SARS-CoV-2 như giọt nước tràn ly.

Những bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận sau 10 năm có tỷ lệ tử vong rất cao mặc dù được chăm sóc. Lúc đó, tôi bảo nếu phải giữ để không có ca tử vong thì chắc là nhiệm vụ bất khả thi.

- Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Y tế đã làm gì để giải tỏa thế trận ở Đà Nẵng?

- Quan điểm chỉ đạo đầu tiên là “làm sạch” Bệnh viện Đà Nẵng. Chúng tôi phát hiện ra một lượng người bệnh rất nặng ở các khoa Nội thận, Nội tổng hợp, Thận nhân tạo, Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện Đà Nẵng. Những bệnh nhân này có thể lây lan sang người nhà, và người nhà này lại lây ra cộng đồng.

Phản ứng đầu tiên của lãnh đạo Bộ Y tế là đề nghị phong tỏa Bệnh viện C Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin một số trường hợp mắc Covid-19 tại Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, chúng tôi thống nhất đề xuất thành phố Đà Nẵng cách ly 3 bệnh viện. Đây là quyết định rất quan trọng, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm sang khu dân cư xung quanh.

Khi bước vào 3 bệnh viện bị phong tỏa ở Đà Nẵng, thật sự cảm giác của người hành nghề y là lo lắng cực kỳ. Những bệnh nhân còn lại sẽ đi đâu, các bác sĩ sẽ cách ly như thế nào? Một đội ngũ cán bộ khổng lồ phải cách ly trong khi Bệnh viện Đà Nẵng là lực lượng chủ chốt, những người giỏi nhất trong lĩnh vực điều trị.

'Chúng tôi như xát muối trong lòng khi công bố ca tử vong'

Sau ngày 23/7, nhiều ê-kíp đã được Bộ Y tế điều vào Đà Nẵng, trong đó có ê-kíp của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy. Cho đến bây giờ, tôi rất tự hào là nhiều bạn nhận quyết định và lên đường khi chưa kịp chuẩn bị đồ đạc. Mọi người đều hướng về mặt trận Đà Nẵng với một tinh thần rất cao.

Khi vào đến đây, các bạn bắt tay vào công việc ngay, giúp xây dựng "căn cứ địa" cho ngành y tế Đà Nẵng ở Trung tâm Y tế Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Thời gian đầu, chúng tôi đánh giá rất cao Bệnh viện Trung ương Huế. Những đêm đầu tiên khi phát hiện ca mắc Covid-19 ở các bệnh nhân chạy thận nhân tạo, có biến chứng nặng của Bệnh viện Đà Nẵng thì những chuyến xe cấp cứu đã hối hả đi qua đèo Hải Vân, đưa bệnh nhân đến điều trị tại cơ sở 2 của Bệnh viện Trung ương Huế.

'Chúng tôi như xát muối trong lòng khi công bố ca tử vong'

- Việc phải chuyển rất nhiều bệnh nhân nặng từ Bệnh viện Đà Nẵng ra Bệnh viện Trung ương Huế thời điểm đó có phải là quyết định khó khăn?

- Khó khăn cực kỳ. Có những bệnh nhân tử vong ngay tại chỗ tiếp nhận của Bệnh viện Trung ương Huế. Ca rất nặng. Lúc đó, những chuyến xe cấp cứu vượt đèo Hải Vân đi Huế nhận rất nhiều áp lực.

Nhưng nếu cân đong đo đếm giữa các bệnh viện thì chỉ có Bệnh viện Trung ương Huế là tiếp nhận được bệnh nhân nặng như vậy. Lúc đó, Ban Chỉ đạo cũng như Bộ Y tế đã quyết định cơ sở này phải tiếp nhận tất cả những bệnh nhân của Đà Nẵng chuyển ra.

Trong cuộc vận chuyển đó, chúng tôi cũng bố trí hệ thống máy thở, monitor, hồi sức trên xe cấp cứu và có bác sĩ đi cùng. Nhìn lại, tôi nghĩ những chuyến đi ấy cực kỳ khó khăn, gian khổ. Nhưng thời điểm đó, quyết định này là tốt nhất, đúng tình thế nhất. Không còn một quyết định nào khác.

Thứ nhất, chúng tôi không thể để bệnh nhân lại TP Đà Nẵng cấp cứu được bởi không thể tin tưởng tất cả hệ thống hồi sức của 3 bệnh viện kể trên sạch Covid-19.

Thứ hai, nguồn nhân lực y tế đã bị cách ly, không thể sử dụng để cấp cứu những bệnh nhân nặng.

Thứ ba, Bệnh viện Trung ương Huế được giao nhiệm vụ phụ trách khu vực miền Trung nên đây cũng là quyết định hợp lý.

'Chúng tôi như xát muối trong lòng khi công bố ca tử vong'

- Số ca tử vong liên tiếp tăng ở giai đoạn 2 là một nốt trầm trong cuộc chiến này. Qua những trường hợp này, ngành y tế đã rút ra bài học kinh nghiệm gì?

- Khi đăng những tin tử vong công bố từ bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, chúng tôi như xát muối trong lòng. Chúng tôi hoàn toàn không muốn điều đó. Đối với những người bệnh có bệnh lý nền, mạn tính, đặc biệt là bệnh nhân suy thận mạn, có biến chứng từ tiểu đường, suy tim thì sự xâm nhập của Covid-19 là giọt nước tràn ly.

'Chúng tôi như xát muối trong lòng khi công bố ca tử vong'

Ca tử vong đầu tiên rất buồn. Tuy nhiên, ngày buồn nhất là số ca tử vong lên tới 4 ca/ngày, thông báo liên tục. Lúc nào lên mặt báo cũng thấy Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt tại TP Đà Nẵng, công bố ca tử vong, thành ra tối đó là tôi như bị thất thần, rất buồn và cũng lo cho anh em.

Chúng tôi cố gắng hết sức làm sao để cứu chữa cho hơn 354 bệnh nhân ở Đà Nẵng, gần 100 bệnh nhân ở Quảng Nam và nhiều bệnh nhân ở các tỉnh, thành khác bằng việc liên tục hội chẩn và lấy ý kiến tham gia điều trị của các chuyên gia hàng đầu.

Kinh nghiệm lớn nhất mà chúng tôi rút ra là không thể để tình trạng dịch Covid-19 diễn ra trong những cộng đồng yếu thế như các bệnh nhân nặng đang được điều trị tại các bệnh viện, những người cao tuổi, các bệnh nhân bị những bệnh lý nền như bệnh tiểu đường, suy thận. Đây là điểm dễ phát tán Covid-19, đồng thời, làm tăng gánh nặng cho việc điều trị cho bệnh nhân lẫn ngành y tế.

- Trong những ngày chiến đấu, khoảng thời gian nào áp lực nhất với ông?

- Khoảng thời gian áp lực nhất là lúc số ca tử vong lên cao, có lúc 3-4 ca/ngày khiến mình cảm giác rất khó cứu chữa người bệnh. Nhiều người cho rằng ngành y tế không tập trung cứu chữa bằng ca 91 trước đây, ngay cả trong Chính phủ cũng có ý kiến là tại sao lại để chết nhiều như thế.

Trong chuyên môn, mình biết là tình huống phải như vậy, nhưng với dư luận xã hội hoặc mình báo cáo lên trên thì chỉ là các con số, thành ra tạo áp lực rất nặng lên ngành y tế Đà Nẵng và bộ phận thường trực.

Trước đây, ca 91 rất nặng. Nhưng đó là một người bệnh khỏe, sau đó diễn biến suy đa cơ quan thì được hồi sức, các cơ quan đã hồi phục trở lại. Mới đây, Stephen (bệnh nhân 91) bên Anh cũng đã nhắn tin cho bác sĩ Linh (BS Trần Thanh Linh, Bệnh viện Chợ Rẫy) nói: "Bây giờ, tôi đã được ra viện và có thể tự đi bộ 500 m, dù tôi chỉ đi được đến thế là kiệt sức". Đây là một tin rất vui.

- Thời khắc nào ông biết dịch bệnh ở Đà Nẵng đã được kiểm soát?

- Đó là khi chúng tôi phân tích được số liệu dịch tễ, tìm ra được những điểm nóng, nguy cơ ở các vùng dịch tễ trong TP Đà Nẵng. Từ đó, có khuyến cáo từ ngành y tế với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Đà Nẵng và triển khai quyết liệt các biện pháp về cách ly, phong tỏa khu dân cư.

'Chúng tôi như xát muối trong lòng khi công bố ca tử vong'

Đặc biệt, năng lực xét nghiệm của TP Đà Nẵng đã tăng rất mạnh. Cách đây một tháng, Đà Nẵng chỉ có thể xét nghiệm hơn 1.000 mẫu/ngày. Đến bây giờ, con số này là gần 50.000 mẫu/ngày và có thể hơn nữa.

Hiện nay, chúng ta đã xét nghiệm được khoảng hơn 150.000 mẫu cho toàn thể TP Đà Nẵng. Từ đó, chúng ta đã phát hiện được những đối tượng F0 trong cộng đồng, biết đối tượng F1 để cách ly tập trung, thực thi cách ly tại nhà với F2. Khi những biện pháp đó được thực thi hoàn chỉnh thì chúng tôi cảm thấy an tâm rằng dịch có thể kiểm soát được bước đầu.

- Trong cuộc chiến với rất nhiều áp lực như vậy, điều gì khiến ông cảm thấy xúc động nhất, là nguồn động viên để ông tiếp tục nỗ lực?

- Ngành y thì nhiều chuyện xúc động. Xúc động nhất khi chúng tôi đến các bệnh viện, thấy hình ảnh của các bác sĩ trong trang phục chống dịch rất nóng. Tôi chỉ mặc 10 phút mà đi ra mồ hôi từ đầu đến chân nhưng các nhân viên y tế phải mặc cả ngày mà không có điều hòa, phải mở cửa sổ giữa trưa. Tôi có thể nhận thấy cảm giác kiệt sức ở rất nhiều nhân viên ngành y tế.

Thứ hai là những buổi họp xuyên đêm, xuyên trưa của Ban chỉ đạo, của Sở Y tế, các bệnh viện. Có hôm 2h sáng, bác sĩ Nguyễn Thanh Linh của Bệnh viện Chợ Rẫy phải dậy, lên xe đi hỗ trợ làm ECMO cho người bệnh.

Có những bữa đến Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Hòa Vang thấy những hộp cơm xếp chồng vào lúc 2h chiều. Mọi người chưa ăn được vì còn đang làm trong khu cách ly. Tôi nghĩ đó là những sự hy sinh rất cao cả của các nhân viên y tế.

'Chúng tôi như xát muối trong lòng khi công bố ca tử vong'

- Từ những mối nguy mà Covid-19 gây ra, trong thời gian rất ngắn, ngành y tế Đà Nẵng đã có một cuộc đại tu trên nhiều khía cạnh. Ví dụ như năng lực xét nghiệm tăng gấp 50 lần. Theo ông, ngành y tế Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung đã trưởng thành như thế nào từ cuộc chiến này?

- Ca nhiễm đầu tiên xảy ra tại Bệnh viện Đà Nẵng do Bệnh viện C Đà Nẵng phát hiện, sau đó tiếp tục truy vết thì phát hiện ra các bệnh nhân ở khoa Nội thận, Nội tổng hợp, Thận nhân tạo. Tỷ lệ nhiễm tăng nhanh khủng khiếp. Tôi nghĩ đây là bài học cho ngành y tế.

Chúng ta không được quyền lơ là công tác tiếp nhận, phân loại, cách ly, phát hiện sớm với mọi người ra vào bệnh viện. Tất cả cơ sở y tế đều phải có cảnh báo, báo động trong tình hình dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp.

'Chúng tôi như xát muối trong lòng khi công bố ca tử vong'

Bên cạnh đó, năng lực y tế miền Trung thời gian qua đã được tăng cường lên rất nhiều. Sự tăng cường này đi từ hai nguồn gốc.

Nguồn gốc thứ nhất là năng lực nội tại. Cụ thể, Đà Nẵng thiết lập được 2 đơn vị chủ lực về hồi sức tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng trong khi trước đó, lĩnh vực này còn rất nhiều hạn chế. Đặc biệt, chúng tôi cũng đã xây dựng được Cung thể thao Tiên Sơn thành một bệnh viện dã chiến và sẽ đưa vào hoạt động nếu tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, khó lường.

Điểm thứ 2 là năng lực hỗ trợ của ngành y tế. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, khoảng 3 ngày, chúng tôi đã thành lập được một đơn vị hồi sức đặc biệt, tiếp nhận tất cả các bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển đến. Đồng thời, những ê-kíp hồi sức có bác sĩ hỗ trợ, bác sĩ địa phương đã hoạt động rất trơn tru.

Đến hôm nay, chúng tôi rất mừng là những gì mình kỳ vọng khi vào TP Đà Nẵng đã đạt được kết quả, thành tựu bước đầu. Chúng tôi có thể khẳng định dịch Covid-19 tại Đà Nẵng cũng đã bắt đầu được kiểm soát.

- Ngoài những cái mất, theo ông, chúng ta đã đạt được gì từ cuộc chiến này?

- Đợt dịch này nói nôm na như một đợt ra trận, vào cuộc của toàn xã hội. Từ Đảng, Chính phủ, cả hệ thống chính trị, công an, quân đội, bộ đội biên phòng, các trường đại học y, rồi người dân cũng vào cuộc. Đây là cuộc ra trận lớn nhất từ trước tới giờ sau các cuộc chiến tranh của Việt Nam.

Phải nói cuộc ra trận này có nhiều mất mát hy sinh, nhưng cái được là chúng ta có ý chí quyết tâm, đồng lòng, đoàn kết, và sự phối hợp, hỗ trợ ở nhiều mũi giáp công để có thể đạt được thắng lợi hôm nay.

Tôi hy vọng thời gian tới, dù dịch chắc chắn còn nhiều diễn biến phức tạp, nhưng với sự quyết liệt của chính quyền, sự vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị và sự tham gia, nhận thức của toàn thể người dân TP Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung, chúng ta cũng sẽ chấm dứt được dịch này tại TP Đà Nẵng.

"Rút quân" từng phần khỏi Đà Nẵng

Trước tình hình dịch bước đầu được kiểm soát ở Đà Nẵng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ chỉ huy tiền phương dự kiến sẽ rút một số bộ phận khỏi Đà Nẵng để điều động đến những địa phương có diễn biến phức tạp.

Cụ thể, bộ phận điều tra dịch tễ đã về Hà Nội sau khi hoàn thành tập huấn cho ngành y tế Đà Nẵng. Bộ phận xét nghiệm cũng đã rời đi sau khi chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực xét nghiệm cho các bệnh viện tại Đà Nẵng. Sau khi Bệnh viện Đà Nẵng gỡ phong tỏa, đội điều trị sẽ chuyển giao các khu hồi sức, khu thận nhân tạo trước khi rời Đà Nẵng.

"Chúng tôi không rút quân ồ ạt mà sẽ rút từng bộ phận và cũng sẽ giữ liên hệ trực tuyến để sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu từ TP Đà Nẵng", Thứ trưởng Sơn cho biết.

0 Nhận xét