(Hotnow.vn) - Điểm dừng chân của Tập 6 Thiếu Niên Tỏa Sáng chính là trường THPT Nguyễn Hiền. Những tâm tư, tình cảm giấu kín bấy lâu sẽ được các bạn học sinh dũng cảm nói ra hết trên bục dũng khí.
Mở màn cho tập 6 Thiếu Niên Tỏa Sáng là câu chuyện của nam sinh Phùng Chanh Kiệt chia sẻ về những người bạn "chí cốt" của mình. Nhóm bạn mà Kiệt kể gồm Kiệt, Phúc, Hào. Tụi em chơi với nhau từ năm lớp 10. "Nếu so về chiều cao thì tụi em cũng "xêm xêm" nhau: Một người 1m7, một người 1m8, một người 1m6", Kiệt hài hước nói.
Hào là công tử trong nhóm, học giỏi, đẹp trai lại còn nhà giàu. Phúc cũng tương tự, cao ráo, đẹp trai, học giỏi và siêng thể thao. Kiệt kể, nam sinh này với Hào khá dễ tính, hợp ý nhau. Còn Phúc lại là cậu bạn "khó ăn, khó ở, khó uống, khó nuôi, khó nuông, khó chiều, quá là khó".
"Có 1 lần tụi em cũng ra quán ngồi chơi, là một người rất giỏi, Phúc đã chơi 1 bài nhạc trên đàn piano. Em cũng muốn được "xịn xò" như Phúc nên đã ngỏ ý thuê cây đàn của Phúc. Nếu Phúc cho em mượn cây đàn này thì mọi chuyện đã không có gì để nói, đằng này Phúc bắt em phải làm một cái hợp đồng, thuê với 200.000 đồng/tháng. Sau đó, Phúc bắt em ký tên, lăn tay các kiểu. Thế nhưng, tiền em đã "trao tay" còn "cháo em vẫn chưa được múc", Kiệt chia sẻ.
Về phần mình, Phúc liên tục tỏ ra ái ngại khi bị bạn thân "bóc phốt", tuy nhiên, do sự việc quá đúng nên Phúc đành thú nhận với Gil Lê: "Bạn nói đúng ạ, em không có gì để biện minh". Chưa dừng lại, Kiệt tiếp tục màn "bóc phốt" của mình: "Sau 3 tháng, Phúc có trả lại tiền cho em với lý do mẹ bạn ấy không cho mượn đàn. Em hiểu được nỗi lòng của bạn ấy nên giữa chúng em vẫn rất bình thường với nhau".
Sau màn "bóc phốt" đầy hài hước này, Kiệt bắt đầu nói lên tâm tư về tình bạn của bộ ba này. "Dạo gần đây, tôi thấy Phúc và Hào không còn như trước nữa". Theo đó, Kiệt thấy rằng Phúc và Hào không còn thân thiết như trước nữa. Cái khoảng cách tình bạn dần xuất hiện, do đó, Kiệt muốn hỏi 2 bạn rằng "Tại sao 2 bạn không còn thân thiết nữa". Về phía mình, Hào trả lời: "Thời điểm hiện tại, mỗi người đều có 1 kế hoạch cá nhân, cho nên không tiếp xúc nhiều cũng như không có nhiều thời gian để đi chung với nhau".
Kiệt tiếp tục: "Tôi đã chơi với 2 bạn đã khá lâu nên tôi hiểu tính cả hai bạn. Nếu hai bạn thấy khó nói ở chương trình thì sau khi tôi bước xuống khỏi bục dũng khí, chúng ta sẽ ra quán cà phê để giải quyết vấn đề này. Bởi vì chúng ta là bạn bè với nhau nên chúng ta phải chia sẻ cho nhau nghe".
Về phía Phúc, Phúc chia sẻ: "Thực ra chúng mình chơi cùng nhau, sẽ có những lần không hợp nhau. Khi tôi tìm người tâm sự, tôi sẽ tìm tới Kiệt; còn khi tôi tìm người cho tôi giải pháp, tôi sẽ tìm tới Hào. Tình bạn có xích mích thì cũng có những niềm vui. Sau nhiều lần như thế thì bọn mình vẫn chơi được với nhau, như thế là ok rồi".
Trước câu chuyện của bộ 3 này, Gil Lê chia sẻ rằng, Gil rất vui khi thấy nhóm bạn có một người như Kiệt. Chàng trai này là người kết nối nhóm bạn lại với nhau, nhân tố này sẽ giúp nhóm bạn hiểu nhau hơn, từ đó đồng hành cùng nhau thời gian dài hơn. Cuối chương trình, Hào gửi lời cảm ơn đến Kiệt.
Theo Hào, thời điểm mới bước vào cấp 3, nam sinh khá khó khăn để hòa nhập và may mắn, Kiệt đã bước đến nói chuyện và giúp Hào kết nối, hòa đồng với cả lớp. Tình bạn giữa 2 nữ sinh suýt tan vỡ vì đối phương có ‘mối quan hệ mới’ Đứng trên bục dũng khí, nữ sinh Huỳnh Hoàng Huy Lam chia sẻ về người bạn tên Kim Mãn chơi thân từ năm lớp 1. Trong mắt của Huy Lam, Kim Mãn là cô gái rất nổi bật, được nhiều người chú ý. Tuy nhiên, Kim Mãn lại chú ý đến Huy Lam, điều này khiến Huy Lam cảm thấy vô cùng may mắn.
"Năm lớp 9 tụi em đã từng nghĩ sẽ phải xa nhau vì tụi em không quyết định được việc chọn trường. Tuy nhiên, đến hiện tại, tụi em đang đứng chung mái trường, mặc chung bộ đồng phục, đây thực sự là cái duyên tuyệt vời", Huy Lam nói.
Tiếp đó, Huy Lam nói về nỗi lòng giấu kín bấy lâu, đến cuối năm lớp 10, Kim Mãn có một mối quan hệ mới. Bản thân Huy Lam cũng cảm thấy vui khi thấy Kim Mãn hạnh phúc. Thời điểm đó, Huy Lam cũng có những mối quan hệ thân thiết khác, điều này khiến Kim Mãn hiểu lầm rằng Huy Lam đang vô tâm, lạnh lùng với tình bạn bấy lâu. Do đó, tình bạn của cả hai không còn như xưa và dần xa cách hơn.
Trong một lần Huy Lam đang ngồi cùng bạn khác, Kim Mãn có nói một câu khiến Huy Lam tổn thương và suy nghĩ rất nhiều, đó là câu: "Sau này Huy Lam sẽ bỏ rơi người bạn đang chơi như cách mà Huy Lam đã bỏ rơi Kim Mãn". Huy Lam nói: "Em đứng đây không phải để phủ nhận tình bạn với các mối quan hệ khác, bởi mỗi người đến với em đều có một ý nghĩa khác nhau. Còn với Kim Mãn, không ai có thể thay thế vị trí tình bạn của bạn ấy đối với em".
Huy Lam cũng cảm ơn Kim Mãn khi giúp Huy Lam từ một cô bé nhút nhát trở nên năng động, hoạt bát và cởi mở hơn. "Kim Mãn là điều gì đó rất quý giá với em", Huy Lam gửi tới người bạn thân. Về phía Kim Mãn, sau khi nghe tâm sự của Huy Lam, cô bạn không giấu được niềm xúc động: "Tôi xin lỗi vì những lời nói trước đây làm tổn thương bạn. Mong rằng chúng ta lại thân thiết như trước kia. Sau này giữa chúng ta có điều gì thì hãy luôn thành thật, không che giấu".
Nam sinh chia sẻ nỗi lòng của học sinh giỏi nhưng không hề vui vẻ như mọi người vẫn thấy. Đó chính là chia sẻ của nam sinh Phan Phúc Liêm (lớp 11A1 - Trường THPT Nguyễn Hiền). Ngay khi bước lên bục dũng khi Phúc Liêm cho biết bản thân là học sinh giỏi nhưng thực tế học giỏi không hề vui như mọi người nghĩ.
Phúc Liêm kể: "Học sinh giỏi là danh hiệu nhưng thực ra có áp lực vô hình. Câu nói mình hay nhận được nhất đó là: ‘Ông nhìn bài này một lần là ông biết làm liền rồi đúng không?’. Đúng, mình biết làm thật nhưng đổi lại là những ngày đêm không ngừng học tập, mình học đến 2-3h sáng".
Để có được thành tích đáng nể trong học tập, hay trở thành “con người ta”, Phúc Liêm cũng như bao bạn học khác vùi đầu học tập ngày đêm. Quá trình nỗ lực đó quả thật không dễ dàng, biết là khó nhưng vẫn phải cố gắng vượt qua. Liêm kể: "Mọi người thường khuyên mình uống cafe để tỉnh táo học bài, hoặc ngủ thật sớm để dậy sớm học. Nhưng mình thì rất "lạ đời", càng uống cafe mình càng dễ ngủ hơn. Hoặc mình đặt báo thức mình dậy sớm nhưng lần nào cũng là đến giờ vào học rồi mới tỉnh dậy".
“Mình áp lực nhất là mỗi lần phát điểm. Nếu mà mình làm bài không tốt, hoặc điểm không được như mình mong muốn. Lúc ấy mình hay nhận được những câu nói như: "Ủa, bài này ông không làm được sao?", "Bài này điểm thấp vậy?",... điều đó là mình rất buồn. Tuy nhiên, mình nghĩ thay vì đi hỏi người khác "tại sao bạn học giỏi vậy?" thì mình sẽ học chính bản thân mình rằng "tại sao lại để người khác học giỏi hơn mình?”, Liêm nói.
Nam sinh lớp 11A2 trường THPT Nguyễn Hiền chia sẻ, hiện tại với Liêm, áp lực lớn nhất đó chính là việc định hướng tương lai. 11 năm học sinh giỏi nhưng cũng là 11 năm Liêm không biết bản thân mình là ai. “Mình nhìn xung quanh mọi người thấy ai cũng có định hướng hết còn mình thì lại không biết”, chàng trai tâm sự.
Trước câu chuyện của Phúc Liêm, Nguyễn Phương Trang - bạn thân của Liêm cho biết: "Phúc Liêm trong lớp là một học sinh giỏi, một con nhà người ta chính hiệu. Nhưng về kỹ năng hay đời sống mình mong Phúc Liêm tham gia hoạt động xã hội nhiều hơn. Liên nên mở lòng chia sẻ nhiều hơn để từ đó Liêm sẽ khám phá được nhiều thứ mới mẻ hơn. Chúng ta sẽ cùng cố gắng tiếp với hành trình tìm kiếm ước mơ của mình".
Nam sinh từng giận mẹ vì sinh mình ra với khiếm khuyết cơ thể, ngày càng yêu bàn tay dị tật của mình. Đứng trên bục dũng khí, nam sinh Huỳnh Công Thanh (lớp 12A2 - Trường THPT Nguyễn Hiền) chia sẻ: “Mình đang bị body shaming về khiếm khuyết trên cơ thể mình” - Cậu học sinh lớp 12A2 tên Huỳnh Công Thanh vừa nói vừa giơ cao bàn tay phải khiếm khuyết của mình trước mọi người.
Công Thanh cho biết những ngón tay của bản thân không giống với người bình thường. Do từ hồi còn trong bụng mẹ, Thanh bị thiếu máu não nên dẫn đến tay phải bị tật. Nói về khiếm khuyết trên bàn tay của mình, Thanh tâm sự: "Bản thân mình không thích nó, nhưng mình không có sự lựa chọn và mình đã chung sống với nó 18 năm nay”.
Sở hữu cơ thể không giống như người bình thường khác, Thanh còn không được bạn bè thông cảm mà thay vào đó là những lời châm chọc, xem như là miếng hài của các bạn. “Mình có biệt danh là "dị tật". Cái biệt danh này đã đi theo mình suốt 3 năm nay rồi. Nó khiến mình phải suy nghĩ về việc "mình là ai?", "tại sao mình ở đây?", "tại sao phải chịu những thứ này?" và "mình có làm gì sai không?", Công Thanh chia sẻ.
Vì sinh ra có chút khác biệt so với người khác nên Thanh cho biết quá trình lớn lên của mình cũng rất khác so với bạn bè cùng trang lứa. Hồi nhỏ các bạn sẽ được ba mẹ đưa đi chơi vào cuối tuần, nhưng với Thanh thì không có được trải nghiệm đó bởi còn bận rộn chữa bệnh.
Nam sinh kể: “Ba mình kể lại có một lần mình bị động kinh. Suốt thời gian đó mình phải ở trong bệnh viện. Một tháng có 30 ngày thì mình ở trong bệnh viện hết 28 ngày. Mỗi ngày đối mặt với mình là những vị bác sĩ, cô y tá,... Mình gặp rất nhiều khó khăn trong việc mặc trang phục hoặc vệ sinh cá nhân. Không biết các bạn ở đây năm lớp 9 có thể tự buộc dây giày được chưa? nhưng mình năm lớp 9 mình vẫn chưa buộc được dây giày”.
Với các bạn học khác, lớp 12 luôn ngưỡng của tràn đầy hy vọng và ước mơ. Ai cũng đã chọn cho mình con đường tương lai mà bản thân muốn. Có bạn muốn làm ca sĩ, làm đầu bếp, hoặc đơn giản là pha chế cafe đều có thể dựa vào nỗ lực để đạt được. Nhưng Công Thanh hiểu, những công việc bình thường ấy lại nằm ngoài tầm với của em.
“Bởi công việc đó phải cần có... 2 tay. Mình thì không được như vậy, mình bắt buộc phải theo một công việc mà mình không thích. Nhưng mình đã rất cố gắng yêu thích nó, tìm hiểu về nó”, nam sinh 18 tuổi tâm sự.
Đứng trên bục dũng khí, Công Thanh hướng ánh mắt về phía mẹ của mình, giọng nói hơi trùng xuống: “Mình muốn cảm ơn mẹ của mình. Có một thời gian mình bị áp từ những người xung quanh. Mình thấy ghét bản thân và căm hận mẹ ba mình vì đã sinh ra mình không được bằng người ta. Cái gì mình cũng phải cố gắng hơn người ta một chút. Nhưng khi lớn lên mình hiểu mẹ không hề ghét bỏ mình. Con xin lỗi vì từng ghét mẹ, ghét nhiều lắm. Nhưng giờ con đã hiểu mẹ thương con nhiều cỡ nào”.
Trước những chia sẻ của con trai, mẹ của Công Thanh dường như không kìm lại được nỗi nghẹn ngào, mẹ cố gắng động viên Thanh: “Con hãy coi đó như một khó khăn đi, một thử thách trong cuộc sống. Lúc nào ba mẹ cũng sẽ luôn sát cánh bên con”.
Cuối cùng, thông qua chương trình, Thanh muốn gửi lời nhắn đến mọi người rằng: “Việc bodyshaming không chỉ trò đùa, nó rất là tổn thương. Mình cũng muốn gửi thông điệp đến các bạn từng trong hoàn cảnh giống như mình: ‘Các bạn hãy mạnh mẽ, lấy đó là động lực cho các bạn. Vì khi các bạn chứng minh mình là ai thì các khiếm khuyết trên cơ thể sẽ trở thành điều đặc biệt, khiến cho bạn khác biệt. Còn nếu như bạn bỏ cuộc giữa chừng thì đó trở thành điểm yếu để cho người khác khai thác nó không ngừng’”.
Mỗi người sinh ra đều là một cá thể riêng biệt, bất kỳ ai cũng có một sứ mệnh đặc biệt và thiêng liêng khác nhau. Hãy biết trân quý cơ thể và hình hài mà mẹ đã mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày để sinh ra mình, đánh đổi cả thanh xuân hy sinh cho chúng ta. Dù cuộc sống có khó khăn đến thế nào đi nữa, cha mẹ vẫn luôn ở đó, yêu thương chúng ta vô điều kiện. Mong rằng không chỉ Công Thanh, Phúc Liêm mà tất những bạn trẻ hãy luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh, mạnh mẽ đi tìm ước mơ của bản thân. Ước mơ sẽ chỉ đường cho thành công của bạn.
Nam sinh từng ‘chiến tranh lạnh’ với ba chỉ vì thói đua đòi, bừng tỉnh nhận ra lỗi lầm trong một khoảnh khắc. Nam sinh Huỳnh Quốc Đông - lớp 11A1, trường THPT Nguyễn Hiền chia sẻ: "Hôm nay mình đến với chương trình để chia sẻ bản thân từng sống ích kỷ, sống đua đòi, cái tôi lớn như thế nào? Và cách đã vượt qua bản thân trong quá khứ để hiện tại trưởng thành hơn, để giúp mình hôm nay bước lên bục dũng khí, để nói hết lời này.
Mình muốn chia sẻ để ba mẹ biết cảm xúc của mình, đồng thời muốn giúp các bạn có thói đua đòi, thói xấu như mình sẽ thay đổi, vượt qua được. Cảm xúc của mình trước khi bước lên bục thấy khá tự tin vì hôm nay mình sẵn sàng chia sẻ và lan tỏa năng lượng tích cực. Các bạn hãy chào đón câu chuyện của mình nhé", Đông nói.
Sau đó Quốc Đông đứng lên bục dũng khó kể về sự thay đổi về sự trưởng thành của bản thân. Cậu cho biết trước kia là con người ích kỷ, cá tính mạnh khiến ba mẹ buồn. Đặc biệt trong thời gian đó sự đua đòi của bản thân cậu không có điểm dừng. "Mình thấy trong lớp có bạn chơi ghita, được khen nhiều quá nên cũng về xin ba mẹ mua cho một cây ghita.
Mình nói với ba: "Con muốn theo đuổi âm nhạc. Ba mua cho con một cây ghita nhé". Năm 2018, mình học lớp 8 và cây ghita đó có giá trị 7-8 triệu đồng. Cái thu nhập kinh tế nhà mình không đủ đáp ứng. Ba mẹ mình có khuyên: "Con ơi cái này là sở thích nhất lời, hơn nữa nhà mình không đủ kinh tế đáp ứng. Nếu con muốn thì ba có thể mua cho con tạm thời cây 2 triệu".
Lúc đó mình giận dỗi, tỏ thái độ 1 tuần. Sau đó ba đành mua tạm cây 1 triệu. Nhưng chứ dừng lại ở đó, 3-4 tháng sau mình lại thấy bạn trong lớp có cây ghita điện, phát ra tiếng hay. Mình lại hướng cái đua đòi lên, nói với ba: "ba ơi! Giờ con lại thấy cây ghita này không hợp với con nữa, con muốn cây ghi ta cắm dây điện vào", Đông kể.
Thời điểm đó cây ghita điện có giá cao hơn cây ghita kia - hơn 13 triệu đồng. Ba mẹ Đông đã không khuyên nhủ, nói thẳng con đang đua đòi. Lúc này Đông giận ba mẹ và dần nguôi đi. Sau đó cậu tiếp tục đua đòi cái khác.
"Mình có tham gia một nhóm nhạc nhỏ, giờ đi tập trái với giờ đi làm của ba, không chở đi được. Mình bắt đầu muốn có một chiếc xe, đỉnh điểm mình đi diễn phòng trà đến khuya mới về. Ba không đồng ý, đi làm về mệt nên nói lời khó nghe "Ba thấy con chơi đàn không ra thể thống gì, toàn làm ầm nhà. Con nên nghỉ chơi đi".
Lúc đó mình không kiềm chế được nên bỏ nhà đi. Mẹ gọi điện thì mình nói với mẹ rằng "Ổng không cho con đi diễn nữa. Ổng chê nhạc của con". Sau đó mình tắt máy. Diễn xong mình về nhà ngoại ở 2 ngày. Kể từ đó ba với mình cạch mặt nhau, không nói chuyện, không ăn cơm cùng nhau", chàng trai nhớ lại. Suốt 1 tháng tránh mặt ba và lạnh nhạt với mẹ, Đông vô tình xem được đoạn video nói về trường hợp giống cậu. Cậu bất ngờ "tỉnh ngộ", dành một đêm suy nghĩ.
Sáng hôm sau cậu tìm đến mẹ để xin ý kiến làm lành với ba. Cậu nói muốn xin lỗi ba nhưng không biết làm như thế nào? Mẹ đã đưa ra ý kiến muốn xin lỗi ba cần chân thành, phải hứa không được tái diễn. "Mình lấy hết dũng cảm để nói với ba nhưng lại nhắn tin thay vì nói trực tiếp. Mình nói hết tâm tư, hối hận... Sau đó ba chấp nhận, ba nói chưa bao giờ chán ghét con. Song mọi chuyện chưa quay lại guồng xoay ban đầu.
Ba với mình cũng tìm cách mở lời, hỏi han nhau. Từ đó mọi thứ êm dịu, thân thiết hơn. Giờ mình dần thấy xích gần lại nhau hơn. Có lẽ, Gil Lê và các bạn sẽ nghĩ mình đam mê âm nhạc. Nhưng không, đó chỉ là sở thích nhất thời trong khoảng thời gian đó. Còn đam mê của mình là làm một lập trình viên, thiết kế chương trình có ích cho cuộc sống.
Mình cũng có lời khuyên tự đúc kết ra được sau khoảng thời gian nổi loạn: theo đuổi đam mê rất tốt nhưng phải xem nó có ảnh hưởng gì đến người xung quanh không? Hôm nay ba mẹ mình không đến được vì phải đi làm chăm lo cho 2 anh em mình. Mình muốn xin lỗi và cảm ơn ba mẹ luôn ở bên động viên và tha thứ", Đông chia sẻ. Sau đó chàng trai gửi lời cảm ơn đến ba mẹ. Cậu hứa sẽ học giỏi để trở thành lập trình viên, không phụ lòng mong mỏi của ba mẹ.
Nam sinh từng bị tăng động giảm chú ý gửi lời cảm ơn đến mẹ sau bao vất vả, tổn thương. Mở đầu chuyện, Nguyễn Thế Tài - lớp 12A12 chia sẻ về bản thân và gia đình. Lên 3 tuổi cậu được bác sĩ chẩn đoán bị tăng động giảm chú ý - hội chứng không thể kiểm soát được hành vi, nghịch ngợm. "Mẹ dành thời gian ở bên chăm sóc mình. Mình không được đi học như bạn bè, thay vào đó mẹ dắt mình đến lớp tự kỷ để điều trị bệnh.
Mình nghịch ngợm nên đi đâu cũng làm phiền người khác. Mẹ đã chịu đựng những lời khó nghe từ người ngoài. Họ cho rằng mình đã đứa trẻ không bình thường, lúc nào cũng quậy phá. Sự hy sinh vất vả của mẹ quá lớn. Mẹ đã từ bỏ năm tháng thanh xuân. Mẹ đưa mình đi trị bệnh 4 năm thấy tạm ổn đã cho mình đi học như các bạn. Song vẫn đâu vào đó, mình vẫn quậy phá khiến cô giáo mệt mỏi.
Có lần vì quá tăng động, mình nhảy xuống bậc hè và không may trượt chân bị rách chân mày khâu 5 mũi. Sau đó mình bị bạn học vô tình cầm cây gỗ đâm thẳng vào trán khâu 7 mũi. Lúc đó trên người mình toàn máu, mẹ sợ hãi và kể từ đó bị rối loạn tiền đình đến tận bây giờ. Có lẽ mọi người nghĩ mình học không như đứa trẻ khác vì lúc nào cũng quậy phá, khó thể giỏi.
Thậm chí có người cho rằng mình như vậy không thể học giỏi, chắc chắn ba mẹ mình lo lót, thầy cô nâng đỡ... Có thời gian mình suy nghĩ tiêu cực, không muốn tiếp xúc đến ai. Song khi nghĩ đến mẹ, đến năm tháng mẹ hi sinh, mình xem đó là động lực để nhìn lại bản thân, xem có phải quá tăng động hay không. Mình đã quyết định thay đổi bản thân", Tài chia sẻ.
Sau đó cậu gửi lời đến mẹ ruột của mình: "Trong suốt 20 năm, mẹ đã dành hết thanh xuân, lo cho gia đình, không bỏ rơi con. Mẹ biết con bị bệnh nhưng cố gắng, không buông xuôi. Đáng lẽ mẹ phải nhận lại sự cảm thông nhưng mẹ toàn nhận tổn thương, đau khổ. Con cảm ơn mẹ vì tất cả, vì quãng thời gian qua luôn ở bên chăm sóc, động viên con. Điều con mong muốn mẹ được hạnh phúc, con muốn ở bên cạnh mẹ nhiều hơn.
Trong lòng mẹ còn tổn thương rất nhiều nhưng không bao giờ nói với con. Con mong mẹ hãy bớt công việc lại để có thể chia sẻ cùng con để con hiểu và chữa lành vết thương. Mẹ luôn nói với con rằng con là chỗ dựa vững chắc của mẹ. Con nhất định sẽ làm được điều đó". Mẹ của Tài cảm thấy rất vui khi con trưởng thành như vậy. Cô bộc bạch không có thời gian, đi buôn bán suốt cho đến buổi chiều mới về nên ít tâm sự. "Đối với mẹ, con là chỗ dựa của mẹ", mẹ của Tài nói.
Khép lại chương trình, Gil Lê cho biết các bạn học sinh đã can đảm bước lên bục, gửi lời cảm ơn, xin lỗi và lời yêu thương đến mẹ. Đó là điều tuyệt vời. Chương trình đã gửi tặng cho các bạn và phụ huynh một món quà đặc biệt. Đó là ca khúc về mẹ. Vị khách mời đặc biệt của chương trình là ca sĩ Đông Nhi bước ra gửi lời chào và tặng các bạn học sinh bài hát “Khi con là mẹ” (sáng tác: Khắc Hưng). Bài hát là lời tâm tình dễ thương mà đứa con gửi đến mẹ.
Đông Nhi gửi đến các bạn học sinh ca khúc Khi con là mẹ. Đông Nhi cho biết, trước khi cô bước chân lên bục chia sẻ thì lắng nghe chia sẻ của một bạn nói về tâm tư tình cảm đối với mẹ của mình. “Thực sự trong chúng ta ở đây, không chỉ riêng về Nhi, ai cũng sẽ có tình cảm vô cùng đặc biệt, thiêng liêng đối với mẹ của mình.
Cứ nhắc về mẹ là chúng ta lại có gì đó nghẹn trong lòng. Cảm xúc ấy không có từ ngữ nào hay lời nói nào diễn tả được tình cảm đó hết. Nhi nghĩ các bạn đang ở trong độ tuổi bắt đầu bước dần ra thế giới bên ngoài. Chúng ta có suy nghĩ riêng, định kiến riêng của mình. Nếu các bạn mở lòng mình ra, đặt mình vào bản thân mẹ của mình, chúng ta sẽ hiểu vì sao mẹ lại có lo lắng đó với bản thân mình”, cô nói.
Các bạn học sinh xúc động khi nghe những lời chia sẻ đầy chân tình từ nữ ca sĩ. Nữ ca sĩ hy vọng ca khúc nói trên sẽ dành tặng các bạn học sinh để các bạn hiểu thêm tấm lòng của mẹ nhiều hơn. “Chúng ta hãy yêu thương mẹ như cách mẹ đã yêu thương chúng ta”. Câu nói ấy khiến các bạn học sinh rưng rưng, vỗ tay không ngừng.
0 Nhận xét