Phim điện ảnh ‘Nhà mình thôi đi!’ hé lộ những vết nứt quen tên

(Hotnow.vn) Khi gameshow gia đình trở thành nơi phơi bày tổn thương âm ỉ giữa những người ruột thịt.

 

"Nhà Mình Thôi Đi!" mở ra trong không khí tưởng chừng đầy niềm vui: Phương có cơ hội đưa gia đình đi một chuyến du lịch miễn phí. Nhưng đây không chỉ là kỳ nghỉ đơn thuần. Đây là một thử thách của một trò chơi. Luật chơi được công bố ngay từ đầu: Nếu Phương có thể thực hiện 1 hành trình du lịch hoàn hảo 4 ngày 3 đêm cho cả gia đình, mà gia đình không biết gì về mục đích thực sự của chuyến đi, cô sẽ giành được phần thưởng trị giá 10 tỷ đồng. 


Nghe qua như một tình huống hài hước, dễ thương, nhưng thực chất đây là phép thử khốc liệt cho mọi mối quan hệ ruột thịt. Bởi càng là người thân, càng dễ lỡ lời. Càng gần nhau, khoảng cách lại càng rõ nét.



Từ bữa ăn sáng đến những buổi ngồi chung xe, từ chuyện rửa bát đến chuyện quá khứ bị đào lại, từng chi tiết nhỏ nhất đều có thể trở thành mồi lửa cho những mâu thuẫn lâu năm tưởng đã lắng xuống. Trò chơi 10 tỷ nhanh chóng trở thành một “sàn diễn” để những tổn thương âm ỉ được lật tung, không phải bằng cao trào kịch tính, mà bằng những điều rất đời thường: một câu nói vô tình, một ánh mắt ngó lơ, một cái lắc đầu nén chặt.

 

"Nhà Mình Thôi Đi!" quy tụ dàn diễn viên thực lực, mỗi người đại diện cho một thế hệ trong gia đình Việt, từ đó khắc họa trọn vẹn hệ sinh thái cảm xúc, nơi không có nhân vật phản diện, chỉ có người đang cố gắng sống với những kỳ vọng, tổn thương và niềm tin riêng.


Uyển Ân vào vai Phương, cô gái trẻ khát khao độc lập, đại diện cho thế hệ trẻ hiện đại đang vật lộn giữa giấc mơ thành công và khoảng trống tình cảm chưa từng được lấp đầy. Là con gái cả trong một gia đình lớn, Phương mang trên vai mặc định “phải mạnh mẽ”, “phải làm gương”, đến mức quên mất mình cũng cần được yêu thương.

 

NS Hoàng Sơn trong vai ông Chiến, người cha điển hình của thế hệ trước, trầm lặng, nghiêm khắc, yêu con theo cách “không cần nói ra”. Tình thương của ông là những lần im lặng, những ánh mắt buồn và những hành động vụng về, khiến khoảng cách với các con ngày một xa hơn chính ông nghĩ.

 

NSND Hồng Vân đảm nhận vai bà Lành, người mẹ điềm đạm, tảo tần, lúc nào cũng cười hiền. Nhưng phía sau nụ cười ấy là những nỗi đau không được phép nhắc tên, nỗi đau vì làm vợ, làm mẹ, làm người gắn kết cả gia đình nhưng không ai gắn kết lại cho mình.

 

Đoàn Thế Vinh vào vai Bin, em trai Phương, thuộc thế hệ Gen Z, tự do, “chill”, lạc quan và ít khi đặt nặng cảm xúc. Bin là hiện thân của thế hệ “được quyền nói không”, đối lập hoàn toàn với chị gái, và cũng vì thế mà luôn bị xem là “không chín chắn”, “không hiểu chuyện”.

 

Michelle Lai vào vai Ly, nàng dâu hiện đại, sắc sảo, luôn biết rõ mình muốn gì và không ngại thể hiện điều đó. Nhưng chính cá tính mạnh mẽ ấy đôi khi trở thành rào cản trong việc hòa nhập vào gia đình chồng, nơi truyền thống vẫn là thứ được giữ gìn tuyệt đối.

 

NSND Kim Xuân là bà nội, đại diện cho thế hệ lớn tuổi nhất, người quan sát tinh tế, đủ từng trải để nhìn thấy sự mỏi mệt trong mắt từng đứa con, đủ điềm tĩnh để chạm vào sự thật mà không làm ai đau thêm.

 

NSƯT Hữu Châu hóa thân thành ông Đấu, bác họ của Phương, người họ hàng điển hình mà ai cũng từng gặp: bảo thủ, nguyên tắc, không ngại chen vào chuyện người khác…và tin rằng mình đúng vì mình “nhiều tuổi hơn”.

 

NSƯT Ngọc Quỳnh trong vai ông Quân, một nhân vật bí ẩn xuất hiện ít nhưng đầy sức nặng, mang đến một bước ngoặt không ngờ cho cả hành trình.

 

Giữa thời đại của tin nhắn nhanh và cảm xúc ngắn, "Nhà Mình Thôi Đi!" đặt một câu hỏi không dễ nuốt: Bao lâu rồi bạn chưa thật sự ngồi lại với gia đình?


Trong thế giới nơi chúng ta dễ “seen” người thân hơn là trả lời, nơi việc chia sẻ tâm sự với bạn online dễ hơn là nói với người trong nhà, "Nhà Mình Thôi Đi!" không nói về những gia đình rạn vỡ, mà nói về những gia đình vẫn đang sống cùng nhau nhưng lạc nhau đã lâu.


Phim không xây dựng bi kịch to tát. Mâu thuẫn ở đây là những điều rất nhỏ, một lời trách móc, một cái chau mày, một ánh nhìn lơ đãng, nhưng được tích tụ qua năm tháng thành vết hằn. Đó là khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, giữa truyền thống và hiện đại, giữa những kỳ vọng không nói thành lời và những thất vọng không ai giải thích được.


Hành trình trong "Nhà Mình Thôi Đi!" không chỉ là một chuyến du lịch có thưởng, mà là phép thử với từng mối quan hệ ruột thịt. Khi cả nhà buộc phải ở cạnh nhau đủ lâu, khi không còn chỗ để trốn tránh, các lớp mặt nạ dần rơi xuống, để lộ ra những con người rất thật, với cả yêu thương lẫn tổn thương.



Không dùng nước mắt để cưỡng ép cảm xúc, phim lựa chọn sự chân thành làm trọng tâm. Những lời thoại đời thường, những tương tác nhỏ nhặt, những khoảnh khắc rất “đời” được chăm chút kỹ lưỡng để khơi gợi lại cảm giác thân thuộc: buổi ăn tối mà ai cũng cắm cúi nhìn điện thoại, lời “con không sao đâu” mà ai cũng nghe quen tai, hay những câu “tôi ổn” nói ra khi lòng đầy sóng ngầm.

Và từ đó, "Nhà Mình Thôi Đi!" nhắn gửi một thông điệp giản dị nhưng ám ảnh:

“Trong thời đại mà chúng ta dễ nhắn tin cho người lạ hơn là ngồi xuống với người thân, đây không chỉ là một bộ phim, mà là một lời nhắc: Về nhà thôi, bằng trái tim.”

Chia sẻ ở buổi lễ khai máy đoàn phim tại Four Seasons Resort The Nam Hai, Hội An - đạo diễn Trần Đình Hiền tâm sự: "Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu khai máy phim điện ảnh Nhà Mình Thôi Đi! một bộ phim điện ảnh về gia đình và hành trình tại vùng đất Đà Nẵng. Thời gian sắp tới sẽ có những cái ngày làm việc rất căng thẳng. Cảm ơn sự chăm chỉ của tất cả mọi người."

“Nhà Mình Thôi Đi!” - phim dự kiến sẽ ra rạp vào năm 2026.

0 Nhận xét